Hệ quả là, dọc các tuyến đường lớn của thị xã Sơn Tây, đâu đâu người ta cũng thấy rác đắp đống ven đường. Ngày qua ngày, người dân vẫn đang phải chịu cảnh các đống phế thải thì cứ “phình” dần bốc mùi vô cùng khó chịu, trong khi đó thì bãi rác chính lại bị phong tỏa,.
Dựng lều “canh” bãi rác
Vào các buổi chiều hàng chục hộ dân tụ tập trước cổng dẫn vào khu xử lý trong vòng bán kính 500 mét quanh bãi rác thải Xuân Sơn. Cứ nhác thấy bóng chiếc xe tải nào chạy đến, chẳng ai bảo ai, gần chục con người nhao ra, yêu cầu tài xế không được chở rác thải vào bên trong khu vực xử lý.
Chỉ tay lên một “núi rác” theo đúng nghĩa đen, anh Bùi Thanh Liên, thôn Xuân Khanh ngao ngán: “Chúng tôi cũng chỉ vì bất đắc dĩ mà phải phong tỏa đường vào bãi rác. Nguyên nhân chính vì lượng rác ngày càng quá tải. Quy trình xử lý lại không chuẩn nên người dân chúng tôi bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng về mặt sức khỏe”.
Người dân dựng lều để canh chừng không cho xe chở rác vào bãi rác Xuân Sơn. Ảnh: C.An |
Anh Liên dẫn chúng tôi qua ngồi bên chiếc lán đã được dựng đối diện cổng ra vào. Đây chính là trụ sở chính để bà con túc trực 24/24 nhằm tự bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của chính mình.
Vừa bước vào lán, điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là... ruồi. Ruồi bâu kín đen mặt phản. Ruồi sà vào cốc nước vừa rót chưa kịp đưa lên miệng. Nhăn nhó cười, anh Liên bảo: “Từ khoảng gần chục năm nay, khi bãi rác Xuân Sơn bắt đầu trở nên quá tải, ruồi trở thành vấn nạn nhức nhối của hơn 120 hộ dân nơi đây. Để chống ruồi, người ta phải giăng mùng để ăn cơm. Giỗ chạp toàn phải cúng đêm nếu không muốn “cúng” ruồi trước”.
Không chỉ vậy, sức khỏe hàng ngày của hàng trăm người dân sống quanh khu vực bãi rác cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dẫn chúng tôi về căn nhà nằm ngay cạnh khu xử lý rác thải, anh Vũ Văn Sơn than thở: “Hàng ngày, nước thải từ núi rác ngay cạnh nhà cứ rỉ ra, ngấm vào nguồn nước xung quanh, bốc mùi hết sức khó chịu. Nhà tôi ngay cạnh tường bao khu xử lý nên càng khổ, đóng cửa thì bí mà mở cửa thì không sao thở nổi”.
Đấy là chưa kể đến khói thải từ hệ thống lò đốt do ống đốt quá thấp, không đủ tiêu chuẩn nên mỗi lần nhà máy tiến hành thiêu hủy chất thải, người dân lại lĩnh đủ. Hầu hết các gia đình ở 4 thôn đều có người mắc các chứng bệnh như phổi, hô hấp, tiêu chảy. Người già và trẻ em được chúng tôi cho đi sơ tán, hoặc ở nhà bà con ở các khu vực xa hơn để tránh ô nhiễm.
Sự việc lên đến đỉnh điểm vì vừa qua, sau khi đổ rác vào bãi phế thải, do quá tải, một số tài xế đã ngang nhiên “trút” rác xuống dọc đường chạy qua cửa nhà dân quanh đó. Quá bức xúc vì cho rằng mình bị coi thường, hàng trăm hộ dân đã dựng lều, căng bạt, ngăn cấm toàn bộ xe rác chạy vào khu vực này.
Nguyện vọng của bà con nơi đây là Nhà nước sớm xem xét di chuyển chúng tôi ra khỏi vùng ô nhiễm. Hành động này của họ cũng chỉ là bất đắc dĩ để tự bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của mình.
Mắc từ dưới mắc lên
Lý giải về những khúc mắc của nhân dân, ông Trương Minh Phương, Bí thư Đảng Ủy xã Xuân Sơn thừa nhận, thực tế, bãi rác tại địa bàn của xã đang ngày càng trở nên quá tải và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt của các hộ dân xung quanh.
“Ban đầu, đây chỉ là bãi rác để phục vụ riêng cho nhu cầu của thị xã Sơn Tây. Khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, Xuân Sơn trở thành điểm tập kết phế thải chung cho cả các khu vực như Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ, thậm chí cả Từ Liêm và Hà Đông. Do đó, việc bãi rác Xuân Sơn bị quá tải, gây ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân là khó tránh”.
Bãi rác bị phong tỏa, rác tràn ngập trên đường ở thị xã Sơn Tây. Ảnh: K.Linh |
Đây không phải là lần đầu tiên bà con tiến hành phong tỏa đường vào bãi rác Xuân Sơn. Chính quyền cũng đã nhiều lần tiến hành vận động nhân dân cũng như khẩn trương tiến hành các biện pháp tháo gỡ. Theo chỉ đạo mới nhất của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, toàn bộ các hộ dân trong bán kính 500 mét quanh khu vực bãi phế thải sẽ được tiến hành di dời trong năm 2012.
Ông Phương thừa nhận, trước đó, theo quyết định của thị xã Sơn Tây, người dân phải được di dời ngay trong tháng 6/2011. Thế nhưng, nguyên nhân chậm trễ một phần là do công tác đo đạc, cắm mốc... của cấp xã vẫn chưa tốt. Vì vậy, các bên chưa thống nhất được mức tiền bồi thường, hỗ trợ.
Trước mắt, địa phương vẫn tiến hành hỗ trợ độc hại cho các hộ dân, đồng thời tiến hành khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí. Về lâu dài, xã cũng như thị xã Sơn Tây sẽ khẩn trương tiến hành đo đạc, lên mức giá đền bù để di dời dân ra khỏi vùng ô nhiễm.
Để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường do khu xử lý rác thải Xuân Sơn gây ra, ngày 1/8, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản số 6328/UBND-TNMT chỉ đạo giải quyết tình trạng đình trệ vận hành khu xử lý rác thải Xuân Sơn. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Sở Xây dựng TP.Hà Nội trực tiếp rà soát, báo cáo cụ thể về công tác quản lý, phối hợp, vận hành, công suất, chất lượng xử lý rác, ô nhiễm môi trường; tiến độ thực hiện các công trình, dự án tại khu xử lý rác Xuân Sơn; Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện ngay các biện pháp xử lý, không để rác tồn đọng trên địa bàn thị xã, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân; đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư cho nhân dân xung quanh khu xử lý rác thải Xuân Sơn. Tất cả các đề xuất, kết quả xử lý trên phải báo cáo UBND Thành phố trước ngày 5/8.
Sơn Bách - Xuân Dũng