Ở những vùng bị lũ, lụt, một vấn đề đáng lo ngại nhất là các nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ gây bệnh đường tiêu hóa, bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, dịch tả, các bệnh ngoài da... Do vậy, sau lũ, lụt việc khử trùng nước cho sinh hoạt là việc làm cần thiết.
Xử lý nước trong chum, vại
Cách làm trong nước: Dùng phèn chua với liều lượng 1g phèn chua (một miếng bằng khoảng nửa đốt ngón tay) cho 25 lít nước. Múc một gáo nước, hòa lượng phèn tương đương thể tích nước cần làm trong cho tan hết, cho vào thùng nước và khuấy đều, chờ khoảng 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong. Nếu không có phèn chua thì dùng vải sạch để lọc nước, giữ lại các cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi được nước trong.
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân khử trùng nguồn nước sau lũ. Ảnh: P.Văn |
Khử trùng nước bể, giếng
Bước 1. Thau rửa bể, giếng:
Nếu bể, giếng bị ngập nước đục:
- Múc cạn nước, vét hết bùn, cặn, sau đó dùng phèn chua để làm trong nước.
- Nếu không có phèn chua thì dùng vật liệu sẵn có như cát, sạn, sỏi hoặc gạch vỡ để lọc.
- Tiến hành khử trùng nước rồi mới sử dụng.
Nếu bể, giếng bị ngập nhưng nước trong:
- Tiến hành khử trùng nước trước khi sử dụng.
Bước 2. Làm trong nước:
- Dùng phèn chua (50g cho 1m3 nước, nếu nước quá đục có thể tăng 100g cho 1m3) để làm trong nước.
- Hòa lượng phèn chua trên vào một gầu nước, sau đó thả gầu chìm sâu trong giếng, nâng lên hạ xuống khoảng 10 lần, chờ nước lắng cặn (30 - 60 phút).
Bước 3. Khử trùng
- Hoà tan cloramin B (loại 25% dùng 10g cho 1m3 nước) hoặc clorua vôi (loại 20% dùng 13g cho 1m3 nước) vào gầu nước, sau đó thả gầu chìm sâu trong nước giếng nâng lên hạ xuống khoảng 10 lần là có thể dùng được.
Đối với nước giếng khoan thì phải bơm hết nước đục và bơm tiếp 15 phút nữa, bỏ nước đi sau đó có thể sử dụng được. Cần chú ý làm vệ sinh bơm, sàn giếng.
Lưu ý: Nước sau khi khử trùng, hoặc không có hoá chất khử trùng đều phải đun sôi rồi mới uống.
Bác sĩ Huy Thông