Hà Nội

Khu kinh tế mới Đồng Đò (Sóc Sơn, Hà Nội): Sai sót quy hoạch biến khu dân cư thành rừng phòng hộ?

12-11-2018 14:12 | Xã hội
google news

SKĐS - Đi gây dựng vùng kinh tế mới từ năm 1985, ăn ở ổn định hơn 3 thập niên, nhưng một bản đồ quy hoạch rừng đã biến hơn 200 hộ dân thành người cư trú bất hợp pháp theo quy định vì nằm trong đất rừng phòng hộ.

Khai sơn… lập thôn mới

Năm 1985, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc xây dựng vùng kinh tế mới, hàng trăm hộ dân ở các xã Xuân Thu, Bắc Phú, Tân Hưng, Kim Lũ, Minh Trí (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) đã chuyển đến Đồng Đò “khai sơn, phá thạch” xây dựng cuộc sống mới. Suốt hơn 3 thập niên qua, người dân Đồng Đò - nay là thôn Minh Tân (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt đào từng gốc cây, cậy từng hòn đá để biến một vùng đất đồi núi khô cằn sỏi đá thành những cánh rừng, vườn cây xanh mướt, giàu tiềm năng kinh tế và phát triển du lịch như ngày nay.

Ông Nguyễn Đình Cường, Trưởng thôn Minh Tân bức xúc chia sẻ với phóng viên.

Ông Nguyễn Đình Cường, Trưởng thôn Minh Tân bức xúc chia sẻ với phóng viên.

Nhớ lại những năm tháng gian khổ đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó thôn Minh Tân xúc động: “Hồi ấy, mỗi hộ dân ra đi được chính quyền huyện hỗ trợ cho gạo ăn 6 tháng, cùng với xi-măng và ngói nhưng những thứ đó chẳng thấm vào đâu vì vùng đất Đồng Đò khi đó chỉ toàn đồi núi khô cằn, hoang vắng, đường đi lối lại cách trở. Vượt qua những đói rét, bệnh tật..., bà con đi khai hoang Đồng Đò vẫn kiên cường bám trụ để sinh sống và lập nghiệp”.

Khó khăn gian khổ là thế nhưng hầu hết hộ dân đi xây dựng vùng kinh tế mới Đồng Đò vẫn tin tưởng đến tương lai vì luôn có được sự ủng hộ, quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo các cấp chính quyền. Cho tới năm 2000, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội chứng kiến cảnh tình khốn khó của người dân địa phương, nên đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương kéo điện lưới cho bà con.

Cùng với việc có điện, chính quyền địa phương cũng quan tâm giúp đỡ người dân vùng kinh tế mới bằng việc cải tạo, nâng cấp đường sá, xây nhà văn hóa, bệnh xá, nhà trẻ. Cuộc sống của bà con Đồng Đò ngày càng khấm khá. Nếu như những năm trước, phần lớn hộ dân ở Đồng Đò phải làm nghề chặt củi, đốt than để kiếm thêm thu nhập thì nay tất cả đều chuyển sang trồng rừng, trồng cây ăn quả, làm trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm... đem lại thu nhập ổn định. Hiện nay, khu kinh tế mới Đồng Đò đã là thôn Minh Tân ngày càng trù phú và có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch. Số hộ dân tính đến năm 2018 là hơn 205 hộ với gần 1.000 nhân khẩu.

Tấm bản đồ điều chỉnh quy hoạch rừng từ tháng 5/2008.

Tấm bản đồ điều chỉnh quy hoạch rừng từ tháng 5/2008.

Bỗng dưng thành “cư trú trái phép”

Suốt hơn 3 thập niên qua, không chỉ bỏ ra rất nhiều công sức xây dựng và phát triển vùng kinh tế mới Đồng Đò, tới nay, bà con thôn Minh Tân còn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính và chấp hành các chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong đó, bà con nộp đầy đủ các loại thuế đất ở, đất vườn, đất nông lâm nghiệp cho tới việc thực hiện thủ tục để công nhận quyền đất ở, đất vườn có nguồn gốc từ khai khẩn ruộng đất đã sử dụng từ năm 1985 tới nay theo yêu cầu của UBND huyện Sóc Sơn và xã Minh Trí. Thế nhưng, đã 33 năm sinh sống ổn định và hợp pháp trên mảnh đất Đồng Đò, đến nay, các hộ dân ở Minh Tân vẫn chưa được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở, đất vườn, đất nông nghiệp.

Càng bức xúc hơn khi mới đây, người dân thôn Minh Tân “bất ngờ” được biết về một tấm bản đồ điều chỉnh quy hoạch rừng huyện Sóc Sơn có từ tháng 5/2008 của UBND TP. Hà Nội phê duyệt. Theo tấm bản đồ này thì toàn bộ nhà trẻ, trường học, trạm y tế và phần lớn khu dân cư của thôn Minh Tân đều nằm trong đất rừng phòng hộ.

Trưởng thôn Minh Tân Nguyễn Đình Cường bức xúc: “Vùng đất Đồng Đò là do người dân chúng tôi phải bỏ công, bỏ sức ra khai hoang, trồng rừng nhưng 10 năm qua chúng tôi không hề biết gì về tấm bản đồ quy hoạch cả vùng này thành rừng phòng hộ. Họ đi đo đạc cắm mốc thực địa cũng không báo cho dân, cũng không có các cuộc họp bàn với nhân dân địa phương để lấy ý kiến, vì thế dẫn tới quy hoạch một cách tùy tiện, không căn cứ trên thực trạng sử dụng đất tại địa phương, gây nên việc chồng lấn lên các vùng dân cư đã sinh sống lâu năm và hợp pháp”.

Bức xúc của anh Cường cũng là nỗi bức xúc chung của người dân thôn Minh Tân khi họ bỗng nhiên trở thành những cư dân cư trú bất hợp pháp trên chính mảnh đất mà họ đã bỏ bao công sức khai hoang, xây dựng.

Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này khi có thêm thông tin mới.


Nhóm PV
Ý kiến của bạn