Khử khuẩn thịt tươi bằng ozone sẽ làm mất hết chất dinh dưỡng

20-09-2016 07:22 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đây là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm về khả năng khử khuẩn và sự an toàn đối với sức khỏe của máy khử độc ozone diễn ra ngày 19/9

Tại buổi tọa đàm thu hút đông đảo báo giới và các nhà khoa học cùng tham gia liên quan đến khả năng khử khuẩn và sự an toàn của máy khử độc ozonne với sức khỏe này, GS.TS Nguyễn Hoàng Nghị, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý kỹ thuật - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội rất thắng thắn cho rằng trước những thông tin đa chiều, những ý kiến khác nhau từ các nhà khoa học về sử dụng ozone, máy ozone thời gian gần đây là rất có ý nghĩa, cho thấy đã đến lúc nhà nước phải xây dựng được quy chuẩn chung về ngưỡng ozone an toàn và máy ozone để quản lý chặt lĩnh vực này.

Còn GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu - Nhà giáo nhân dân- Phó chủ tịch hội đồng khoa học TP. Hà Nội cho biết, ozone độc hay không độc chủ yếu là do liều lượng sử dụng. Nếu liều lượng trong ngưỡng cho phép thì máy khử độc ozone có tác dụng tốt, hỗ trợ để làm sạch thực phẩm (rau, quả, thịt…) giúp thực phẩm an toàn hơn và không gây độc, nhưng nếu liều lượng vượt ngưỡng thì có khả năng gây độc.

Trước câu hỏi máy ozone khử khuẩn có thể phá vỡ được các cấu trúc hữu cơ như hóa chất bảo vệ thực phẩm thì cũng có thể phá vỡ được chất hữu cơ, dinh dưỡng trong thực phẩm hay không? GS Nguyễn Hoàng Nghị cho biết, cơ chế oxy hóa chỉ diễn ra trên bề mặt thực phẩm, để rất lâu mới tấn công vào tế bào bên trong của thực phẩm.

Việc dùng máy ozone để khử khuẩn thực phẩm không thể tùy tiện mà phải theo đúng hướng dẫn nếu không sẽ không có tác dụng

Do đó nếu sử dụng ozone khử khuẩn rau trong thời gian đúng khuyến cáo không ảnh hưởng đến chất dinh dưỡng, kể cả thịt cũng vậy.

Tuy nhiên, theo ông Nghị các nhà khoa học không khuyến cáo sử dụng máy khử khuẩn ozone với thịt tươi sống, nếu có chỉ khuyến cáo ngâm thịt có mùi ôi trong khoảng 5 phút để khử mùi, còn nếu cho thịt tươi bình thường vào khử khuẩn lâu bằng máy ozone thì không những không có hiệu quả mà có thể còn làm mất đi chất dinh dưỡng vốn có trong thịt.

“ Ngay cả với rau quả, nếu sử dụng khử khuẩn ozone thì cũng phải rửa sạch 2, 3 nước bằng nước sạch rồi mới đưa vào khử khuẩn mới đảm bảo hiệu quả” – GS Nghị thông tin

TS Từ Ngữ, Phó chủ tịch - Tổng thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam cho biết, trong bữa ăn của người Việt Nam không thể thiếu được rau, nhưng làm thế nào để có được thực phẩm nói chung, rau nói riêng sạch và an toàn, trong bối cảnh hiện nay không dễ. Việc ứng dụng công nghệ vào làm sạch thực phẩm, rau củ, theo quan điểm của Hội Dinh dưỡng Việt Nam là ủng hộ. Song dùng công nghệ gì thì cũng phải dùng đúng và đảm bảo an toàn.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn