Tuy nhiên, ngày nay thoái hóa khớp có thể xảy ra ở cả người trẻ, do những thói quen sinh hoạt sai cách thường ngày. Vậy, khớp nào dễ bị thoái hóa và cách điều trị ra sao?
Yếu tố nguy cơ của thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp là một bệnh lý mạn tính do tổn thương thoái giáng của các mô sụn, xương dưới sụn và các tế bào, các cấu trúc khác ở khớp và quanh khớp. Các tổn thương bao gồm: bào mòn sụn khớp, rách sụn khớp, tái cấu trúc xương dưới sụn, phì đại tại bờ xương (mọc các gai xương), thay đổi tính chất sinh hóa của màng hoạt dịch và bao khớp.
Đây là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh lý xương khớp, có liên quan chặt chẽ đến tuổi và là nguyên nhân chính gây đau mạn tính, mất khả năng vận động, giảm chất lượng cuộc sống ở người lớn tuổi, gây tổn hại đến kinh tế gia đình người bệnh, tạo gánh nặng cho chi phí y tế.
Thoái hóa khớp là một bệnh lý phức tạp diễn biến 2 quá trình song song:
- Một là sụn thoái hóa phá hủy dần sụn khớp phủ trên bề mặt xương, cùng với thay đổi cấu trúc xương.
- Hai là hiện tượng viêm những tổ chức cận khớp đóng một vai trò quan trọng trong sự tiến triển của thoái hóa khớp.
Tổn thương cơ bản đầu tiên là sụn khớp, sau đó tổn thương xương dưới sụn, dây chằng, các cơ cạnh khớp và màng hoạt dịch. Tổn thương kéo dài sẽ đưa đến biến đổi hình thái của toàn bộ ổ khớp và gây mất chức năng của khớp.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp:
- Tuổi cao: Tuổi càng cao thì hiện tượng lão hóa các cơ quan càng mạnh, trong đó có khớp xương.
- Giới tính.
- Yếu tố di truyền.
- Béo phì.
- Tư thế sinh hoạt, lao động không đúng.
- Công việc, nghề nghiệp đòi hỏi phải vận động khớp quá mức.
- Mắc bệnh khớp trước đó.
- Có chấn thương.
- Biến dạng khớp bẩm sinh.
- Nội tiết và chuyển hóa: người bệnh đái tháo đường, gout, người bị loãng xương, phụ nữ sau mãn kinh.
Các khớp dễ bị thoái hóa khớp
- Khớp cổ tay, bàn ngón tay: Gặp ở nữ nhiều hơn nam, nguyên nhân chủ yếu gặp do các bệnh lý trước đây của khớp như viêm khớp dạng thấp, nhiễm khuẩn khớp và do các chấn thương khớp. Thoái hóa gây sưng đau, khiến ngón tay trở nên gồ ghề, cong nhẹ.
- Khớp gối: Thoái hóa khớp gối tiến triển âm thầm nhiều năm không có triệu chứng. Triệu chứng biểu hiện đầu tiên thường là đau khớp gối. Người bệnh ngồi xổm và đứng dậy rất khó khăn, nặng hơn sẽ thấy tê chân, biến dạng khớp gối.
- Cột sống cổ: Khi thoái hóa cột sống cổ sẽ gây cảm giác đau mỏi phía sau gáy, vùng cổ, lan đến bả vai, cánh tay.
- Cột sống thắt lưng: Nếu thoái hóa cột sống thắt lưng sẽ gây đau vùng thắt lưng, hông, cảm giác tê bì chân khi ngồi lâu một tư thế. Thoái hóa cột sống thắt lưng ảnh hưởng đến dây thần kinh tọa gây cảm giác đau từ lưng xuống đùi và chân.
- Khớp háng: Khi đó người bệnh sẽ có cảm giác đau sâu phía trước háng, ở bên cạnh hoặc phía trước đùi, ở sau mông và lan xuống gối.
- Khớp cổ chân, bàn ngón chân: Tình trạng thoái hóa khớp cổ chân, bàn ngón chân thường gặp ở người trên 40 tuổi, hoặc có công việc sử dụng nhiều đến cổ chân như vận động viên, cầu thủ bóng đá… Bệnh tiến triển chậm, với các triệu chứng ban đầu mơ hồ, khó nhận biết.
Ở giai đoạn nặng, người bệnh sẽ cảm thấy đau vùng khớp cổ chân, cảm giác nặng nề và kém linh hoạt khi vận động. Những cơn đau nhói đến khi người bệnh gắng sức hoặc tác động trực tiếp vào vùng khớp bị tổn thương.
Cần làm gì khi bị thoái hóa khớp?
Khi có biểu hiện thoái hóa các khớp chúng ta phải giảm cân nếu tình trạng thừa cân, béo phì. Việc giảm cân, kiểm soát cân nặng bằng chế độ ăn và tập luyện, giảm 10% trọng lượng cơ thể (khoảng 0,5-1 kg/tuần) giúp cải thiện chức năng vận động khớp. Hạn chế các món ăn béo ngọt, chiên xào, không ăn nhiều vào buổi tối, ăn nhiều rau đậu trái cây đồng thời tăng thời gian vận động thể lực.
Nhiều người suy nghĩ việc tập thể dục sẽ khiến những cơn đau do bệnh tăng nặng, tăng nguy cơ cứng khớp. Tuy nhiên, tập thể dục thường xuyên giúp bạn vận động, xây dựng cơ bắp và tăng cường sức mạnh cho các khớp thường giúp cải thiện các triệu chứng. Rèn luyện thể lực cũng là trợ thủ đắc lực cho việc giảm cân, điều chỉnh lại tư thế, giảm căng thẳng và đặc biệt cải thiện hiệu quả các triệu chứng.
Có thể nói, đây là phương pháp điều trị quan trọng nhất dành cho những người bị viêm khớp thoái hóa. Các bài tập được khuyến nghị bao gồm kết hợp các hoạt động giúp tăng cường cơ bắp và cải thiện thể lực.
Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ, kỹ thuật viên vật lý trị liệu để có một kế hoạch tập thể dục để theo dõi tại nhà. Quá trình rèn luyện cần tuân thủ theo kế hoạch được đưa ra tránh tập sai làm ảnh hưởng xấu đến các khớp.
Có thể sử dụng nẹp gối, nẹp lưng, nẹp khuỷu tay, đệm lót chân hay giày chỉnh trục, có hiệu quả cao với các trường hợp có biến dạng lệch trục khớp. Để giảm đau có thể sử dụng chườm nóng hoặc lạnh lên khớp có thể làm giảm cơn đau và các triệu chứng của viêm xương khớp ở một số người.
Cần thay đổi điều kiện làm việc, thay đổi thói quen xấu để giảm bớt lực tỳ đè kéo dài lên sụn khớp và đĩa đệm cột sống, duy trì nếp sống trẻ trung, lành mạnh, vận động thường xuyên.
Trường hợp phải sử dụng thuốc các bác sĩ sẽ chỉ định một số thuốc giảm đau có thể được bác sĩ khuyến nghị trong điều trị để cải thiện các triệu chứng. Loại thuốc giảm đau sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cơn đau và các tình trạng hoặc vấn đề sức khỏe khác mà người bệnh gặp phải.
Thay khớp có thể sẽ được cân nhắc ở một số bệnh nhân. Thay khớp giúp giảm đau và phục hồi chức năng vận động khớp ở bệnh nhân thoái hóa khớp, thường gặp nhất là thay khớp háng và gối.
Thay khớp là phẫu thuật tái tạo khớp, khi phẫu thuật thay khớp, bác sĩ sẽ bỏ phần khớp đã hư hại và thay thế vào đó phần khớp nhân tạo được làm bằng các vật liệu y sinh đặc biệt. Tuổi thọ của khớp nhân tạo có thể kéo dài từ 15-20 năm hoặc hơn.