Nếu trong điều trị chỉ dựa dẫm vào thuốc mà không chăm sóc khớp gối viêm đúng cách thì khó lòng mà hồi phục hoàn toàn thậm chí chuyện khỏi bệnh là còn xa vời.
Những bệnh có thể gặp ở khớp gối
Bệnh đầu tiên là thấp khớp cấp. Đây là một bệnh được cho là liên cầu khuẩn beta tan máu nhóm A gây ra. Chỉ cần một nhiễm khuẩn ở họng, một nhiễm khuẩn ở bàn tay hay thậm chí là một nhiễm khuẩn ở bàn chân cũng có thể gây ra bệnh này, nhất là lứa tuổi trẻ em. Trong trường hợp này, không chỉ khớp bị ảnh hưởng mà tim và thận cũng bị tác động. Vì thế mà trong các trường hợp thấp khớp cấp, chúng ta cần phải khám xét toàn diện và cẩn trọng.
Khớp bình thường (trái) và khớp bị thoái hóa (phải). |
Bệnh thứ hai phải kể tới là thoái hoá khớp gây viêm khớp gối vô khuẩn.
Sở dĩ nó gây viêm là vì “tự nhiên” trong khớp gối mọc ra các “gai xương”. Đây chính là điểm mà y học gọi là thoái hoá xương ở người già.
Tầm quan trọng của khớp gối Có thể nói rằng, khớp gối là một khớp đa dụng nhất của cơ thể. Hầu như trong mọi hình thức vận động, không ít thì nhiều đều liên quan tới sự vận động của khớp gối. Cho dù đó là vận động tay hay vận động chân. Khớp gối được coi là một khớp lớn của cơ thể. Nó có một khối lượng mạch máu vô cùng nhiều và vô hình trung nó cũng chính là điểm quy tụ của nhiều bệnh tật. Và vì là một khớp lớn nên nó sẽ là một khớp gần như đầu tiên bị bệnh thoái hoá khớp. Do vậy biểu hiện đau khớp gối gặp trong khá nhiều bệnh và buộc chúng ta phải đặt vào nó một mức độ quan tâm xứng đáng. |
Bệnh thứ ba là bệnh gút. Bệnh gút, hiểu đơn giản là bệnh tạo ra quá nhiều acid uric trong cơ thể dẫn đến lắng đọng trong khớp gây ra viêm khớp. Có nhiều khớp bị viêm và bị ảnh hưởng bởi các tác nhân gút này nhưng một trong các khớp đó là khớp gối. Nó biểu hiện đặc biệt rõ khi người bệnh nhậu nhẹt, uống rượu bia và ăn nhiều thịt chó. Bệnh hay gặp ở những người béo, nghiện rượu, mắc hội chứng chuyển hoá.
Bệnh thứ tư gây ảnh hưởng tới khớp gối là bệnh viêm xương tủy xương. Đây là bệnh nhiễm khuẩn xương khớp điển hình. Đặc thù của bệnh này là chỉ tấn công vào các khớp lớn như khớp gối. Người ta không hiểu vì sao các vi khuẩn lại “thích” khớp gối, nhưng một giả thiết được đặt ra là do khớp có quá nhiều mạch máu ở các đầu xương tại khớp nên khi vi khuẩn xâm nhập, di chuyển thì chúng định cư luôn tại khớp gối. Nếu không được can thiệp điều trị bài bản, người bệnh có nguy cơ bị cắt cụt chân.
Chỉ cần uống thuốc là xong?
Trong điều trị viêm khớp gối nói chung và viêm khớp nói riêng, sử dụng thuốc là một điều bắt buộc. Các thuốc chống viêm khớp có tác dụng giảm các hoạt chất trung gian hoá học của viêm và do đó tạo ra nhiều tác dụng có lợi. Giảm được các chất trung gian hoá học của viêm sẽ làm giảm đau khớp vì đây chính là những tác nhân gây ra đau. Giảm được chất gây viêm sẽ giảm được hỏng khớp vì đây là những chất làm thay đổi tính chất dịch nuôi màng khớp. Giảm được chất trung gian của viêm sẽ làm khớp bớt sưng, da bớt đỏ vì thế mà da vùng xung quanh khớp được nuôi dưỡng đầy đủ.
Song có một điều hết sức quan trọng trong điều trị là nếu chỉ dựa vào thuốc mà không chăm sóc nó xứng đáng thì nó khó lòng mà hồi phục hoàn toàn.
Tại sao vấn đề chăm sóc lại được quan tâm? Đó là vì khớp gối rất hay vận động. Mặc dù rất đau và rất giữ gìn nhưng nhiều khi người bệnh vô tình vận động nó vì nó quá cần thiết để thực hiện những động tác từ đơn giản nhất.
Ở đây, thuốc có thể ức chế gần như hoàn toàn chất gây viêm sau những liều đầu tiên uống thuốc. Biểu hiện minh chứng là triệu chứng đau gần như giảm hẳn. Nhưng nếu bạn đi lại bình thường ngay hay đi nhanh một chút thì gần như chất gây viêm lại được khôi phục hoàn toàn. Hậu quả là khớp vừa mới khỏe đau xong bao nhiêu thì nó đau lại bấy nhiêu. Khớp giảm sưng được bao nhiêu thì nó lại sưng lại bấy nhiêu, mặc dù lượng thuốc còn tồn lưu trong máu. Vì thế mà chìa khoá giúp điều trị thành công căn bệnh này là bất hoạt được vận động của khớp gối.
Luyện tập phục hồi khớp gối. |
Ba nguyên tắc để mau khỏi bệnh
Như trên đã đề cập, việc bất hoạt vận động khớp gối thực sự quan trọng. Nó được ví như là cái bản rộng của chìa khoá để chiếc chìa khoá dễ mở hơn. Thế cho nên 3 nguyên tắc sau không bao giờ được quên với cả bác sĩ và người bệnh.
Nguyên tắc 1: Căn dặn bệnh nhân đầy đủ. Nếu bạn chỉ kê đơn thuốc rồi vội vàng “xong” để sang người tiếp theo thì kể như bạn cầm chắc một cái hẹn với người bệnh trong một vài ngày tới. Bạn cần bình tĩnh khám và ước lượng mức độ bệnh để ra chỉ định thuốc đầy đủ. Song hành với đó là căn dặn bệnh nhân về chế độ hạn chế vận động thật kỹ để đạt được mục tiêu cuối cùng. Ở đây, sự căn dặn chăm sóc quan trọng như chính việc căn dặn dùng thuốc vậy.
Nguyên tắc 2: Người bệnh phải tự biết chăm sóc mình. Việc hạn chế vận động là việc không bao giờ được quên. Đừng nên chỉ đơn giản hoá điều trị là tiêm và uống thuốc. Ở đây có một mối tương quan thuận, càng hạn chế vận động tốt bao nhiêu bạn càng nhanh khỏi bấy nhiêu. Hạn chế vận động có nghĩa là hạn chế đi lại, hạn chế bước lên bước xuống bậc thang. Bạn gần như cố định chân trong tư thế duỗi thẳng. Gần như chỉ nằm nghỉ hay ngồi nghỉ trong những ngày đầu tiên điều trị. Nếu bạn đã chấp hành tốt việc hạn chế vận động nhưng bạn ngày nào cũng bước lên taxi để đến nhà bác sĩ khám thì coi như không thành công. Hãy nhớ rằng, chỉ một động tác gấp duỗi gối cũng làm hỏng tiến trình điều trị của bạn.
Nguyên tắc 3: Cố định khi cần thiết. Trong những trường hợp mà việc hạn chế vận động xem ra có vẻ khó thực hiện thì chúng ta có thể áp dụng biện pháp hạn chế vận động cưỡng bức. Biện pháp đơn giản nhất là quấn băng chun quanh gối. Hãy thực hiện và thử kiểm nghiệm xem, sự nhanh hay chậm khỏi bệnh đúng là hoàn toàn phụ thuộc vào bạn.
BS. Yên Lâm Phúc