Khớp cắn ngược phải làm gì?

11-08-2012 16:26 | Bệnh thường gặp

Một xã hội hiện đại sẽ hướng con người vươn tới sự hoàn thiện cả về kỹ năng làm việc cũng như ngoại hình. Khuôn mặt đẹp với nụ cười rạng rỡ là mong muốn của mọi người không phân biệt nam, nữ, già, trẻ.

(SKDS) - Một xã hội hiện đại sẽ hướng con người vươn tới sự hoàn thiện cả về kỹ năng làm việc cũng như ngoại hình. Khuôn mặt đẹp với nụ cười rạng rỡ là mong muốn của mọi người không phân biệt nam, nữ, già, trẻ. Nhưng một khuôn mặt lõm với nụ cười không nhìn thấy răng cửa hàm trên do khớp cắn ngược có được gọi là khuôn mặt đẹp và nụ cười rạng rỡ hay không? Câu trả lời là không. 

Khớp cắn ngược hay còn gọi là móm biểu hiện là hàm răng trên ở phía trong so với hàm răng dưới. Khớp cắn ngược thường có 2 dạng: khớp cắn ngược do răng và khớp cắn ngược do xương.

 Khớp cắn ngược do răng

Khớp cắn ngược do răng biểu hiện ngược nhóm răng cửa phía trước. Thông thường loại lệch lạc này vẫn có kiểu xương bình thường tức là sau khi điều trị hết khớp cắn ngược sẽ có khuôn mặt bình thường. Tuy nhiên nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì do răng trên luôn bị răng dưới gây cản trở phía trước nên răng và xương hàm trên sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là giai đoạn trẻ còn đang tăng trưởng và phát triển.
 
Hậu quả là xương hàm trên kém phát triển hơn so với hàm dưới biểu hiện ra là một khuôn mặt lõm hay còn gọi là mặt gãy ở nhiều mức độ khác nhau. Nguyên nhân của khớp cắn ngược do răng thường là do răng cửa hàm trên mọc muộn hơn răng cửa hàm dưới hoặc do trẻ có thói quen trượt hàm sang bên theo xu hướng không thuận lợi. Điều trị khớp cắn ngược do răng thuận lợi nhất là vào thời điểm răng cửa dưới đã mọc hoàn toàn và răng cửa trên mọc ít nhất được ½ thân răng.
 
 Phát hiện sớm khớp cắn ngược quyết định sự thành công trong điều trị.
Có 2 loại khí cụ có thể điều chỉnh khớp cắn ngược do răng: Khí cụ tháo lắp và khí cụ gắn chặt. Khí cụ tháo lắp đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt của các con đảm bảo đeo hàm liên tục kể cả khi ăn, như vậy có thể chỉ sau 2 đến 4 tuần răng cửa hàm trên đã vượt ra ngoài so với răng cửa dưới và quá trình điều trị sẽ hoàn tất sau khoảng 3 đến 6 tháng. Tuy nhiên không phải cháu nào cũng đeo được khí cụ tháo lắp vì những bất tiện do nó gây ra, trong trường hợp này các con sẽ được đeo khí cụ cố định được gắn chặt vào răng.

Khớp cắn ngược do xương

Khớp cắn ngược do xương có thể phát hiện từ sớm ở giai đoạn răng sữa với biểu hiện là một khuôn mặt lõm với hàm răng trên ở phía trong so với hàm răng dưới và càng ngày mức độ lõm càng gia tăng có thể gây khớp cắn hở phía trước. Nguyên nhân của khớp cắn ngược do xương có thể là do xương hàm trên kém phát triển hoặc do xương hàm dưới phát triển quá mạnh hoặc do dị tật khe hở vòm miệng làm xương hàm trên thiếu hụt kích thước theo chiều ngang và chiều trước sau làm cho răng cửa hàm trên luôn ở phía trong so với răng cửa hàm dưới.
 
Với khớp cắn ngược do xương hàm trên có xu hướng kém phát triển mức độ nhẹ các con có thể sẽ được đeo khí cụ ngoài mặt Face mask để kích thích sự phát triển của xương hàm trên. Khí cụ này cũng giống như khí cụ tháo lắp đòi hỏi sự tuân thủ tuyệt đối của các con về chế độ và thời gian đeo. Đặc biệt hơn khí cụ này chỉ được sử dụng tốt nhất là thời điểm trước khi các con dậy thì tức là trước 12 – 13 tuổi. Vì vậy phát hiện sớm là một trong những điều kiện quyết định sự thành công của điều trị.
 
Với khớp cắn ngược do xương mức độ nặng,do quá phát xương hàm dưới hoặc do dị tật khe hở vòm miệng thì hướng điều trị chủ yếu là phẫu thuật tạo hình. Đa số các trường hợp sẽ bắt đầu điều trị khoảng từ 18 tuổi trở lên để đảm bảo là các dấu hiệu tăng trưởng đã ngừng lại và các sai lệch của khuôn mặt không còn tiếp tục. Giai  đoạn đầu các con sẽ đeo khí cụ cố định nắn chỉnh răng với mục tiêu là sau khi phẫu thuật tạo hình hai hàm răng sẽ có tương quan bình thường đảm bảo chức năng và thẩm mỹ. Giai đoạn này kéo dài từ 1 đến 2 năm tùy từng bệnh nhân.
 
Sau khi hoàn tất giai đoạn sắp xếp răng các con sẽ được phẫu thuật tạo lại khuôn mặt hài hòa bình thường với thời gian nằm lại bệnh viện khoảng 1 tuần đến 10 ngày. Riêng với các cháu có dị tật khe hở vòm miệng lại đòi hỏi khám và điều trị sớm nhất có thể nhưng lại kết thúc điều trị muộn nhất vì cũng phải kết thúc bằng phẫu thuật chỉnh hình ở giai đoạn trên 18 tuổi với một hay nhiều lần ghép xương vào khe hở của xương hàm trên ở giai đoạn sớm trước đó.

Tóm lại việc khám kiểm tra định kỳ răng miệng đặc biêt cho các trẻ ở thời kỳ thay răng và mọc răng là hết sức cần thiết để phát hiện sớm các vấn đề nhằm có hướng giải quyết thích hợp giúp các con có một khuôn mặt đẹp và hàm răng tốt trong tương lai.

ThS. Trần Hải Hà


Ý kiến của bạn