Khớp cắn ngược: Ðiều trị càng sớm càng tốt

01-11-2019 10:53 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Khớp cắn ngược (hay còn gọi là móm) có thể do tình trạng xương hàm dưới phát triển quá dài, đưa ra trước quá mức, xương hàm trên lại quá ngắn cụp vào trong.

Khớp cắn ngược là sai lệch khớp cắn phổ biến gây mất thẩm mỹ cho khuôn mặt, khiến khuôn mặt mất cân đối, tác động xấu tới cử động của hàm và cho bệnh nhân tự ti, ảnh hưởng đến giao tiếp, sinh hoạt hàng ngày.

Phân loại khớp cắn ngược

Khớp cắn ngược thường có 2 dạng: khớp cắn ngược do răng và khớp cắn ngược do xương.

Khớp cắn ngược do răng: Biểu hiện là nhóm răng cửa phía trước của hàm dưới chìa ra bên ngoài, bao lấy răng hàm trên. Nguyên nhân của khớp cắn ngược do răng thường là do răng cửa hàm trên mọc muộn hơn răng cửa hàm dưới hoặc do trẻ có thói quen trượt hàm sang bên theo xu hướng không thuận lợi. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, do răng trên luôn bị răng dưới gây cản trở phía trước nên răng và xương hàm trên sẽ bị ảnh hưởng. Hậu quả là xương hàm trên kém phát triển hơn so với hàm dưới, biểu hiện ra là một khuôn mặt lõm hay còn gọi là mặt gãy ở nhiều mức độ khác nhau. Nhóm này xương hàm phát triển bình thường, có thể điều trị bằng nắn chỉnh răng. Đa số sau khi nắn chỉnh răng thẩm mỹ, khuôn mặt sẽ bình thường.

Khớp cắn ngược do xương: Do xương hàm trên kém phát triển hoặc xương hàm dưới quá phát triển hoặc cả hai nguyên nhân trên. Thông thường, xương hàm phát triển từ từ nhưng đôi khi xương hàm trên và xương hàm dưới phát triển theo tốc độ khác nhau. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khớp cắn ngược, có thể là do xương hàm trên kém phát triển, xương hàm dưới phát triển quá mạnh hoặc do dị tật khe hở vòm miệng... Điều này khiến cho xương hàm trên thiếu hụt kích thước theo chiều trước sau làm cho răng cửa hàm trên luôn ở phía trong so với răng cửa hàm dưới. Trong khi nắn chỉnh răng thẩm mỹ có thể khắc phục được tình trạng khớp cắn ngược do răng thì ở nhóm bất thường do xương hàm sẽ được điều trị bởi phẫu thuật chỉnh hình xương. Đa số nhóm bệnh nhân này có thẩm mỹ khuôn mặt bị ảnh hưởng bởi sự bất cân xứng 2 hàm, có biểu hiện mặt lưỡi cày. Sau phẫu thuật chỉnh hình xương và nắn chỉnh răng, không chỉ răng hết cắn ngược mà thẩm mỹ khuôn mặt cũng được trở về bình thường.

Khớp cắn ngượcPhẫu thuật xương hàm xử trí cho bệnh nhân khớp cắn ngược do xương.

Hệ quả của khớp cắn ngược

Đa số mọi người đều nghĩ khớp cắn ngược đơn thuần là xấu về mặt thẩm mỹ, nhưng đó không phải là điều quan trọng nhất. Vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe cũng là vấn đề đáng lo ngại. Với tình trạng này, chức năng ăn nhai sẽ bị ảnh hưởng, phân bố lực tác động vào răng và xương hàm không đều, gây ra những rối loạn về chuyển động xương hàm dưới, chuyển động khớp thái dương hàm và có thể gây ra những bệnh về thái dương hàm sau này. Đồng thời, do tương quan giữa hai hàm răng bị sai lệch nên việc cắn xé thức ăn rất kém. Điều này còn có thể làm phát sinh một số vấn đề về đường tiêu hóa.

Ngoài ra, khớp cắn ngược dễ gây mất cân đối cho khuôn mặt, mất thẩm mỹ, hiện tượng mặt gãy xuất hiện do phần cằm nhô chìa phía trước, rất dễ nhận thấy, khuôn mặt có xu hướng dài bất thường. Khớp cắn ngược còn ảnh hưởng đến việc phát âm do cấu trúc hàm bị sai lệch nên một số người phát âm không được chuẩn từ ngữ, hay bị nghịu hoặc nói nuốt âm, bệnh nhân có thể gặp phải một số vấn đề tâm lý như lo lắng, tự ti, hạn chế trong giao tiếp.

Điều trị khớp cắn ngược triệt để bằng phẫu thuật chỉnh hình xương

Đa số các bệnh nhân e ngại phẫu thuật chỉnh hình xương hàm do phẫu thuật xương hàm là một phẫu thuật khó và tinh tế. Tuy nhiên, trong những trường hợp bất thường khớp cắn ngược do xương, phẫu thuật là cách duy nhất để có được kết quả ổn định và thành công về thẩm mỹ và chức năng. Chỉ nắn chỉnh răng trong các trường hợp có chỉ định phẫu thuật sẽ không thay đổi được về thẩm mỹ, chức năng và không đạt được một kết quả ổn định lâu dài.

Phẫu thuật chỉnh hình xương là phẫu thuật chỉnh sửa xương hàm nhằm mục đích đưa tương quan hàm trên hàm dưới hài hòa với nhau, qua đó làm thay đổi hình dạng khuôn mặt, mang lại nét hài hòa và cải thiện thẩm mỹ khuôn mặt và cải thiện được chức năng ăn nhai.

Sau phẫu thuật, nhiều trường hợp đã có sự thay đổi toàn diện về thẩm mỹ và chức năng, chính người bệnh cũng cảm thấy ngỡ ngàng với kết quả rất mỹ mãn. Người bệnh đã có khuôn mặt được cải thiện rất rõ rệt với các tầng của khuôn mặt cân đối, hài hòa, tương quan các xương hàm và tương quan hai hàm răng rất hợp lý và đã cải thiện được cả về thẩm mỹ lẫn chức năng rất thuyết phục.

Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng dạng sai lệch mà bác sĩ sẽ đề nghị phương pháp điều trị khác nhau. Vì vậy, bệnh nhân cần đến các bệnh viện chuyên khoa có uy tín để được bác sĩ đánh giá tình hình bệnh, quyết định phương pháp và thời điểm điều trị phù hợp.


ThS.BS. Nguyễn Trường Minh (ĐH Y Hà Nội)
Ý kiến của bạn