Ngày 22/11/2013, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị 09/CT - BYT về việc tăng cường tiếp nhận phản ánh của người dân qua đường dây nóng. Tuy nhiên, tại một số bệnh viện vẫn có người dân còn chưa biết đến sự hiện diện của đường dây nóng. Điển hình là việc một người bệnh ở Bắc Giang đã phản ánh trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Y tế khi không biết được số điện thoại đường dây nóng. Ngành y tế Bắc Giang đã chỉ đạo và thực hiện đường dây nóng như thế nào? Báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với BS. Trương Quang Vinh - Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang về vấn đề này.
PV: Thưa ông, Bộ Y tế đã có Chỉ thị 09/CT - BYT về việc tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân qua đường dây nóng từ tháng 11/2013, nhưng tại sao đến ngày 23/1 vừa rồi có ý kiến phản ánh là không hề biết. Qua sự việc trên, ngành y tế Bắc Giang rút ra được những bài học kinh nghiệm gì trong việc củng cố lại hoạt động đường dây nóng?
BS. Trương Quang Vinh: Thực tế, ngay sau khi nhận được Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thông qua đường dây nóng, ngành y tế Bắc Giang đã phân công cán bộ làm đầu mối tiếp nhận các công văn yêu cầu xử lý ý kiến phản ánh của người dân đến đường dây nóng của Bộ Y tế. Đồng thời, cho công khai ngay các số điện thoại đường dây nóng của Sở và số điện thoại của lãnh đạo Sở trên báo địa phương.
Tại các khoa, phòng của tất cả các BV trên địa bàn tỉnh đều niêm yết và dán công khai số điện thoại của Giám đốc các BV, Phó Giám đốc BV cũng như lãnh đạo các khoa phòng. Bên cạnh đó, từ 3 năm nay theo chỉ đạo của Sở Y tế, tất cả các BV đều niêm yết ảnh, họ tên, chức danh của cán bộ, nhân viên các khoa, phòng tại các nơi dễ nhìn, dễ thấy... Tính đến thời điểm này, đường dây nóng của Sở Y tế tỉnh Bắc Giang đã nhận được 3 cuộc gọi, lãnh đạo Sở nhận được 1 cuộc trong đó có 2 ý kiến về tinh thần, thái độ; 2 ý kiến xin tư vấn. Qua sự việc trên, ngành y tế Bắc Giang cũng nhận ra những bài học kinh nghiệm đó là công tác tuyên truyền về hoạt động của đường dây nóng cần phải thực hiện sâu rộng hơn nữa trên địa bàn tỉnh. Qua đó, người bệnh cũng như người nhà bệnh nhân cần phải hiểu được đầy đủ những quyền lợi của mình khi phản ánh đến đường dây nóng về hành vi tiêu cực, thái độ không tốt, những băn khoăn, bức xúc của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện chỉ đạo các khoa, phòng tăng cường triển khai các biện pháp tuyên truyền, giáo dục về y đức, văn hóa ứng xử; nghiêm chỉnh chấp hành quy chế chuyên môn và công tác điều dưỡng chăm sóc người bệnh trong BV.
PV: Đường dây nóng là một kênh tiếp nhận thông tin hiệu quả, nhưng cốt lõi vẫn là chấn chỉnh thái độ và nâng cao y đức của mỗi người thầy thuốc khi tiếp xúc với bệnh nhân. Y tế Bắc Giang đã và sẽ có những động thái như thế nào, thưa ông?
BS. Trương Quang Vinh: Thực hiện đường dây nóng trong ngành y tế Bắc Giang đã có đóng góp không nhỏ trong quá trình quản lý cũng như giám sát quá trình thực hiện nâng cao hơn nữa chất lượng KCB trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, ngành y tế Bắc Giang xác định nâng cao chất lượng KCB, chấn chỉnh thái độ làm việc của cán bộ y tế là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách. Về giải pháp lâu dài, lãnh đạo Sở Y tế đã chỉ đạo BVĐK tỉnh Bắc Giang và tất cả các BV trực thuộc thông tin công khai vụ việc trên cũng như hình thức xử lý cán bộ vi phạm đến toàn thể cán bộ của BV mình để làm gương. Bên cạnh đó, không ngừng đẩy mạnh công tác giáo dục, y đức, văn hóa ứng xử và chấp hành quy chế chuyên môn trong KCB và phục vụ người bệnh. Đồng thời, khen thưởng động viên kịp thời những y bác sĩ được bệnh nhân, người nhà bệnh nhân khen ngợi (trên cơ sở đề nghị của BVĐK tỉnh, Sở Y tế đã tặng Giấy khen cho 2 tập thể và 2 cá nhân vì có thành tích xuất sắc trong cấp cứu, điều trị, chăm sóc người bệnh trong Tết Nguyên đán vừa qua). Đặc biệt, thời gian tới, chúng tôi sẽ giám sát và chỉ đạo quyết liệt, sát sao việc bỏ phiếu thăm dò bệnh nhân về công tác chăm sóc và phục vụ người bệnh của nhân viên y tế tại các khoa, phòng thuộc các BV. Qua đó, nhằm phát hiện và xử lý nghiêm khắc các biểu hiện sai phạm, biểu hiện tiêu cực trong nhân viên y tế.
PV: Đặt giả thiết, nếu có thêm ý kiến của người dân phản ánh qua đường dây nóng về một trường hợp cán bộ y tế có thái độ ứng xử không tốt với người bệnh, ngành y tế Bắc Giang sẽ xử lý như thế nào?
BS. Trương Quang Vinh: Trước hết, chúng tôi khẳng định sẽ không xuê xoa, nhẹ tay trong xử lý cán bộ nếu có vi phạm. Sau khi nhận được phản ánh từ đường dây nóng, chúng tôi sẽ xác minh sự việc, nếu đúng có cán bộ vi phạm, căn cứ vào mức độ vi phạm của cán bộ đó chúng tôi sẽ có hình thức xử lý phù hợp theo đúng quy định hiện hành của pháp luật về xử lý cán bộ viên chức vi phạm kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, điều chuyển công tác, buộc thôi việc...
Nguyễn Tuệ (thực hiện)
Phản ánh qua đường dây nóng là cơ hội tốt cho bệnh viện...
Trả lời phỏng vấn của PV báo SK&ĐS qua điện thoại, bác sĩ Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc BVĐK tỉnh Bắc Giang cho biết, vụ việc bà Chu Thị Tuyết Nhung phản ánh về thái độ cán bộ y tế của bệnh viện với Bộ trưởng Bộ Y tế là cơ hội để cán bộ bệnh viện nhìn lại mình để thấy được thiếu sót và tìm giải pháp khắc phục, lấy lại niềm tin nơi người bệnh. Ông Đồng cũng cho biết thêm, số điện thoại đường dây nóng của bệnh viện đã được thực hiện từ 3 năm nay và được công khai ở nơi dễ thấy, dễ nhìn nhất. Trong đó, có cả số điện thoại của Ban Giám đốc. Những ngày Tết Giáp Ngọ vừa qua, lãnh đạo bệnh viện và cán bộ trực đường dây nóng đều không nhận được điện thoại phản ánh của người bệnh đến đường dây nóng. Thời gian tới, bệnh viện sẽ liên tục chỉ đạo các khoa, phòng đôn đốc, nhắc nhở, đồng thời triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát cán bộ nhân viên trong việc chấp hành các quy chế chuyên môn, quy định về y đức và quy tắc ứng xử. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc công tác thông tin báo cáo của hệ thống đường dây nóng, hòm thư góp ý trong bệnh viện. Phân công thành viên Ban Giám đốc bệnh viện, Đảng ủy, lãnh đạo các phòng chức năng dự giao ban tại các khoa, phòng để giám sát, kịp thời chấn chỉnh tinh thần thái độ phục vụ và văn hóa ứng xử.