Là tuyến cuối về nhi, trẻ thường phải nằm ghép 2 - 3 cháu/giường, nhưng BV Nhi TW lại là một trong số 14 cơ sở y tế đầu tiên ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép từ ngày 20/1/2015. Đặc biệt, lãnh đạo bệnh viện ký thực hiện điều này ngay sau khi trẻ vào điều trị nội trú thay vì trong vòng 24 giờ hoặc 48 giờ sau khi nhập viện như một số bệnh viện khác. Điều này khiến dư luận không khỏi băn khoăn về tính khả thi. Xung quanh vấn đề đang được dư luận quan tâm này, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã ghi lại ý kiến trao đổi của PGS.TS. Lê Thanh Hải - Giám đốc BV Nhi TW.
PGS.TS. Lê Thanh Hải.
PV: Căn cứ để BV Nhi TW quyết định ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép tại khu vực điều trị nội trú xuất phát từ đâu, thưa ông?
PGS.TS. Lê Thanh Hải: Trước năm 2014, đặc biệt là đầu năm 2014 bị dịch sởi tấn công, tỷ lệ nằm ghép giường tại BV Nhi TW rất phổ biến, có những lúc một giường bệnh có đến 3 - 4 cháu cùng nằm, gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám chữa bệnh, vì khi trẻ nằm chung giường bệnh nhiều thì làm gia tăng khả năng lây nhiễm chéo trong BV, kéo dài thời gian điều trị, đồng thời có nằm ghép thì BV cũng chỉ được BHYT chi trả như giường 1 bệnh nhân... Thực tế này đòi hỏi công tác giảm tải BV phải được tiến hành sớm để vừa giúp bệnh nhân đỡ khổ khi đi khám chữa bệnh mà cũng giảm được áp lực cho chính các thầy thuốc...
PV: Vậy để thực hiện việc không còn nằm ghép giường bệnh của một BV tuyến đầu về nhi khoa, BV Nhi TW đã làm những gì, thưa ông?
PGS.TS. Lê Thanh Hải: Để triển khai công tác giảm tải BV, ngay từ giữa năm 2014, BV Nhi TW đã đưa ra nhiều giải pháp, BV sàng lọc bệnh nhân ngay từ khu khám bệnh, tăng gấp đôi phòng khám tiếp nhận bệnh nhân từ 30 - 35 phòng khám trước đó lên 55 - 60 phòng. Bên cạnh đó, BV cũng đã điều động các bác sĩ có kinh nghiệm trong khu vực nội trú ra khám, giảm thời gian làm thủ tục hành chính, thời gian chờ xét nghiệm của bệnh nhân, để mỗi bác sĩ có thời gian khám và tư vấn kỹ càng hơn, bệnh nhân được chẩn đoán tốt hơn. Hiện nay, trung bình mỗi bác sĩ của BV khám khoảng 60 bệnh nhân/ngày thay vì 100 cháu/ngày như trước.
Qua thăm khám, những trường hợp nặng thì được nhập viện điều trị, còn những trường hợp nhẹ sẽ được cho điều trị ngoại trú hoặc chuyển về tuyến dưới. Chúng tôi cũng bố trí một khu lưu trú trong ngày để theo dõi những bệnh nhân trong vòng 4 - 5 tiếng để chờ kết quả xét nghiệm. Khi nắm rõ tình hình bệnh, bác sĩ sẽ cho nhập viện hoặc điều trị ngoại trú để giảm tải BV.
Giải pháp thứ hai là tăng cường các phương tiện cận lâm sàng để tăng khả năng chẩn đoán, điều trị tối ưu tại các khoa, giúp giảm thời gian nằm viện của bệnh nhi. Đồng thời, BV giao trách nhiệm trưởng, phó khoa đánh giá rõ ràng từ xét nghiệm đến khám bệnh, từ đó đưa ra phương pháp điều trị tối ưu để nhanh chóng điều trị khỏi sớm, ra viện sớm. Nếu như trước đây, thời gian điều trị trung bình của mỗi bệnh nhi là hơn 7 ngày thì nay đã giảm xuống là 6,8 ngày/đợt điều trị.
Giải pháp tiếp theo là tăng cường hội chẩn, trao đổi với các bệnh viện chuyên khoa để thực hiện việc chuyển viện phù hợp trên nguyên tắc giải thích rõ ràng với gia đình bệnh nhân.
Đặc biệt, BV đẩy mạnh truyền thông phòng chống bệnh tật trên website của bệnh viện. Mỗi ngày đều có 1 - 2 bài hướng dẫn cách phòng và điều trị các bệnh đơn giản để giúp người bệnh nâng cao ý thức phòng và điều trị bệnh.
Do kết hợp đồng bộ các giải pháp này, nên 4 tháng nay BV Nhi TW đã không còn tình trạng nằm ghép.
PV: Thế nhưng có nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng vì để thực hiện việc này, bệnh viện có thể cho bệnh nhân ra viện sớm hoặc chuyển viện sớm; đồng thời dư luận cũng băn khoăn về tính khả thi của việc này?
PGS.TS. Lê Thanh Hải: Hiện tại BV Nhi TW, mỗi ngày có khoảng 2.500 - 3.000 bệnh nhân đến khám; 1.200 - 1.300 bệnh nhi nội trú/1.480 giường bệnh; 400 - 500 trẻ phải nằm ở Khoa Hồi sức cấp cứu với sự hỗ trợ của gần 1.500 nhân viên cán bộ y tế bệnh viện.
Chúng tôi sẽ tăng cường giám sát các khoa, phòng không để vì cam kết giảm tải mà đẩy bệnh nhân đáng lẽ được điều trị nội trú ra điều trị ngoại trú. Bởi việc giảm tải BV, tất cả là để phục vụ bệnh nhân, vì bệnh nhân. Hiện vẫn có tình trạng nằm ghép nhưng chỉ là vài tiếng đầu nhập viện do chưa sắp xếp được. Trong tình huống quá tải, bệnh viện sẽ điều bệnh nhân từ khoa này sang khoa khác có tính chất tương tự, không nằm ghép, có bác sĩ đi theo điều trị. Nếu như trước đây, bệnh nhân đi theo bác sĩ, còn giờ bác sĩ đi theo bệnh nhân.
Tuy nhiên, cũng có những khó khăn nhất định trong việc giữ vững cam kết này nhưng tôi cho rằng đến tháng 6, bởi sau khi tòa nhà 16 tầng đi vào hoạt động sẽ có thêm hàng trăm giường bệnh nữa được triển khai, phục vụ bệnh nhi.
Về biện pháp lâu dài, để khắc phục nằm ghép, cần phải đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực, trong đó cần có cơ sở hai của BV Nhi TW...
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Thái Bình (thực hiện)