“Nếu chiếu theo số liệu thống kê của tổ chức y tế thế giới WHO, Việt Nam là nước có mức độ sử dụng các chất uống có cồn ở mức trung bình thấp” – ông Việt lưu ý.
Mới đây, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc người Việt chi 3 tỷ USD/năm cho bia rượu khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên.
Là người tham gia khởi thảo Chính sách quốc gia về phòng chống lạm dụng rượu bia, phó viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) Vũ Thị Minh Hạnh cũng tỏ ra rất lo ngại trước thực trạng lạm dụng bia rượu ở Việt Nam.
Ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Viện Quản lý Việt Nam đã đưa ra một con số ước tính để thấy rằng Việt Nam đang quá lãng phí cho việc uống bia, rượu. Ông phân tích: Dân Việt Nam uống 3 tỷ USD bia rượu một năm trong khi đó 1 tàu Kilo có giá 350 triệu USD, 1 máy bay Sukhoi 30 có giá 30 - 45 triệu USD, tàu hộ vệ tên lửa Gepard 350 triệu USD. Như vậy, nếu nhịn uống bia trong năm 2014, dân việt nam có thể với 3 tỷ USD mua thêm 02 con Kilo giá 1 tỷ USD, mua thêm 1 cặp Gepard 700 triệu USD, mua thêm một biên đội Sukhoi 12 chiếc với giá 540 triệu USD. Tổng chi phí chỉ mất khoảng 2.2 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014 diễn ra vào ngày 28/2, Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng như nhiều hãng bia trong nước đã phản bác trước thông tin này.
“Với 3 tỷ lít bia được tiêu thụ, người ta cho rằng bỏ ra 3 tỷ đô la chỉ dành cho việc…uống bia là quá nhiều, những nhà khoa học nói phục vụ tiêu xài cho xã hội quá phí phạm nhưng tôi nghĩ thông tin này chưa chuẩn. Bởi có trên 50% là nộp ngân sách, còn 50% giải quyết vấn đề cho xã hội, cung ứng cho xã hội, dịch vụ cho xã hội. Hàng ngày, ở Mỹ có bao nhiêu người thất nghiệp, ở Việt Nam, ngành bia giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động” - ông Nguyễn Văn Việt, chủ tịch VBA phân trần về mức độ tăng trưởng bia, rượu của Việt Nam trong năm vừa qua.
Cụ thể, theo số liệu chính thức của tổng cục Thống kê, đóng góp ngân sách của ngành bia rượu nước giải khát năm 2013 đạt trên 1 tỷ đô la và tốc độ tăng trưởng của ngành Bia nói chung cũng đang trong xu thế giảm dần. Sản lượng bia sản xuất năm 2011/2010 tăng 8,5%, 2012/2011 tăng 5,73% và năm 2013/2012 là 2,47%.
Về kết quả sản xuất kinh doanh của ngành, ông Việt cho biết vẫn đảm bảo mức tăng trưởng so với năm 2012. Cụ thể, sản lượng sản xuất bia đạt 2,9 tỷ lít, tăng 2,47%; sản lượng tiêu thụ trên 3 tỷ lít, tăng 11,85%. Nước giải khát các loại sản xuất đạt gần 4,5 tỷ lít, tăng 5,59%, tiêu thụ ở mức tương đương, tăng 3,05%. Rượu sản xuất công nghiệp đạt 66,8 triệu lít, tăng 4,4%, tiêu thụ 67,9 triệu lít, tăng 6,9%.
Ông Việt nhấn mạnh, “hãy tôn trọng số liệu thống kê, thay vì các thông tin ngoài luồng!”. Bởi theo thống kê của Tổng cục thống kê, sản lượng bia tiêu thụ năm 2011/2010 tăng trưởng 12,6%, năm 2012/2011 tăng trưởng chững lại 1,5%, năm 2013 tăng trưởng 10,3%. Mức tăng nói chung không đều đặn, nhưng ở mức tương đối cao, so với mức tăng trưởng sản xuất.
Ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch HĐQT công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng đồng tình với quan điểm trên khi cho rằng: “Những thông tin đăng tải thời gian vừa qua về con số 3 tỷ USD/năm là chưa chính xác về ngành rượu, bia của Việt Nam, thậm chí, có người còn nói: lượng tiêu thụ rượu, bia của Việt Nam lớn nhất Châu Á. Điều này hoàn toàn không đúng”.
Ông giải thích thêm: “Chúng tôi đang thu thập tất cả thông tin chính thức để chứng minh rằng lượng tiêu thụ bia, rượu và đồ uống có cồn nói chung ở Việt Nam rất thấp, dưới mức trung bình khá. Nếu tính trung bình trên đầu người, ở Việt Nam, độ cồn tuyệt đối mà một người dùng là 2 lít cồn/người/năm trong khi đó, 4 lít mới là mức tiêu thụ trung bình của người dân trên thế giới.
“Như vậy, ở Việt Nam, nhiều nơi, người dân còn không biết đến hình dạng lon bia như thế nào. Nhất là khi bạn về các tỉnh lẻ, nông thôn, nhiều người dân còn không biết mở nắp lon bia như thế nào, họ chỉ biết loại rượu lá chuối. Ngay ở Đông Nam Á, nhiều nước tiêu thụ rượu, bia còn lớn hơn nhiều” – ông Tuất nhấn mạnh.