Để khắc phục tình trạng này một cách nhanh chóng và đơn giản nhất chính là sử dụng kem bôi da. Tuy nhiên, việc lựa chọn kem bôi da cho phù hợp với từng trẻ không hề đơn giản...
Tác dụng của kem bôi da
Giúp giảm các triệu chứng viêm da: Một trong những tác dụng của kem bôi da đó là giúp làn da có thể làm giảm các triệu chứng viêm như: nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy, da khô, bong tróc vảy... và ngăn ngừa biến chứng do các tình trạng này gây ra. Nguyên nhân của chứng viêm da có thể là do dị ứng với phấn hoa, lông động vật, hóa chất, thời tiết... khiến da bị kích ứng.
Phòng và trị bệnh lý về da do nấm và ký sinh trùng: Khi bị nhiễm nấm, ký sinh trùng, làn da sẽ ngứa, gây nhiễm trùng mức độ nhẹ và không nguy hiểm. Các loại nấm dễ mắc phải gồm có: nấm chân, nấm men, nấm ngoài da, nấm móng tay, nấm miệng... Nhiễm trùng da do ký sinh trùng gây ra thường là chấy rận, rệp, ghẻ...
Khi bị nấm và ký sinh trùng, làn da sẽ có những triệu chứng: nổi mẩn đỏ và phát ban, ngứa, đau. Lúc này nên sử dụng những loại kem bôi da có tác dụng kháng khuẩn, chống nấm hoặc thoa kem dưỡng lên da để điều trị.
Tránh để bệnh nặng hơn khiến da có mủ, mụn nước, bong tróc, thâm sạm, hoại tử, da đổi màu hoặc đau ở da. Nguy hiểm nhất là nhiễm trùng da có thể lây lan và vào máu có thể đe dọa đến tính mạng.
Giúp làm mát da, giảm ngứa: Vào thời điểm tiết trời nắng nóng, oi bức thì tuyến mồ hôi trên da rất dễ bị tắc nghẽn hoặc viêm, gây ra sự ứ đọng mồ hôi, tế bào chết bít kín. Điều này khiến da dễ bị khô và còn có thể gây bệnh rôm sảy ở trẻ em. Hoặc nếu da bị côn trùng, muỗi, kiến đốt sẽ khiến da bị đau rát, sưng tấy khó chịu, nên sử dụng kem bôi da.
Một số loại kem bôi da có tác dụng chăm sóc da, làm mát da, giảm ngứa ngáy, vết sưng và ngăn ngừa rôm sảy ở trẻ em rất hiệu quả. Chỉ sau vài phút thoa lên da, trẻ sẽ mát da, không còn ngứa ngáy và vết sưng cũng dần biến mất sau vài ngày.
Giúp chữa hăm tã, rôm sảy, hăm da ở trẻ: Hầu như tất cả trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh đều mắc phải triệu chứng hăm tã, rôm sảy. Triệu chứng này khiến làn da trẻ bị sưng đỏ, nổi mẩn, đau rát và nặng hơn còn có thể gây nứt da, chảy máu, loét da, viêm nhiễm. Điều này sẽ khiến trẻ bị khó chịu, ngứa ngáy, đau đớn, quấy khóc, không chịu ăn, khó ngủ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Do đó có thể chọn những loại kem bôi ngoài da có những thành phần chống viêm, dưỡng da để làm giảm các triệu chứng này cho trẻ.
Không tùy tiện bôi kem trị bệnh ngoài da cho trẻ.
Các thành phần trong kem bôi da
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm kem bôi da với các công hiệu khác nhau, nên thành phần của chúng cũng sẽ có sự khác nhau như:
Hoạt chất có tác dụng làm mát, làm dịu nhẹ vùng da bị tổn thương hoặc những vùng da bị ngứa gây rôm sảy do quá nóng, không thoát được mồ hôi.
Hoạt chất có tác dụng chống viêm, chống nhiễm khuẩn, giúp làm giảm phản ứng viêm và sưng ngứa. Ngoài ra, còn có thể ức chế và ngăn ngừa sự tấn công của các loại vi khuẩn gây hại tại các vùng da bị trầy xước hoặc các khu vực tổn thương trên da.
Hoạt chất giúp tái tạo tế bào da mới khi da bị bị tổn thương, kích thích các tế bào da mới phục hồi. Đồng thời còn làm khô và se nhanh những vùng da bị bong vảy, đẩy nhanh quá trình lên da non, giúp bệnh nhanh hồi phục.
Hoạt chất dưỡng ẩm, làm trắng da giúp cải thiện tình trạng da khô.
Lời khuyên của chuyên gia y tế
Khác với làn da của người lớn, da của trẻ em rất mỏng manh, nhạy cảm. Chính vì vậy mà kem bôi da cho người lớn và trẻ em sẽ có sự khác nhau nhất định về các thành phần, hoạt chất, nồng độ, hàm lượng.
Khi chọn lựa kem bôi da cho trẻ em nên ưu tiên chọn lựa những sản phẩm có thành phần chiết xuất từ tự nhiên: Không chứa chất bảo quản, không gây tác dụng phụ, kích ứng da... để đảm bảo tính an toàn trong quá trình sử dụng. Đồng thời, cũng nên chọn những loại kem bôi da không gây bết dính lên da của bé, tạo cảm giác thông thoáng cho da của trẻ. Nhờ đó sẽ giúp cho da bé khỏe, mềm mịn hơn và ngăn chặn được các triệu chứng mẩn đỏ, ngứa trên da hiệu quả...
Tuy nhiên, việc sử dụng kem bôi da cũng cần có sự tư vấn và hướng dẫn cụ thể của các bác sĩ chuyên khoa. Việc tự ý dùng, dùng theo mách bảo... có thể không làm trẻ khỏi khó chịu trên da mà còn khiến trẻ bệnh nặng hơn.