1. Viêm da mủ là gì?
Viêm da mủ là một bệnh ngoài da, theo nghĩa đen có nghĩa là "mủ trong da" và có thể do nhiễm trùng, viêm hay bất kỳ tình trạng nào dẫn đến tích tụ dịch tiết bạch cầu trung tính. Tuy nhiên, thông thường nhất, viêm da mủ đề cập đến tình trạng nhiễm trùng da do vi khuẩn (tụ cầu, liên cầu).
Viêm da mủ thường bắt đầu với một vết sưng nhỏ, màu đỏ trên da, có thể giống như vết nhện cắn. Trong vòng vài ngày, vết sưng này có thể phát triển thành một vết loét hở lớn và gây đau đớn.
Vết loét thường xuất hiện trên chân, nhưng cũng có thể phát triển ở bất kỳ đâu trên cơ thể. Đôi khi nó xuất hiện xung quanh các vị trí phẫu thuật. Nếu có nhiều vết loét, chúng có thể phát triển và hợp nhất thành một vết loét lớn hơn.
Viêm da mủ dễ phát triển trong thời tiết nắng nóng.
2. Nguyễn nhân gây bệnh viêm da mủ
Nguyên nhân chính xác của bệnh viêm da mủ vẫn chưa được biết rõ. Tình trạng này không lây nhiễm hoặc truyền nhiễm. Nó thường liên quan đến các bệnh tự miễn dịch như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn và viêm khớp.
Nếu cơ thể đang bị viêm da mủ, chấn thương da mới, chẳng hạn như vết cắt hoặc vết đâm, có thể gây ra vết loét mới.
3. Các phương pháp điều trị
Điều trị viêm da mủ là nhằm mục đích giảm viêm, kiểm soát cơn đau, thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương và kiểm soát các bệnh tiềm ẩn.
3.1. Liệu pháp không dùng thuốc
Các mô hoại tử nên được loại bỏ nhẹ nhàng, tránh cắt lọc vết thương rộng trong giai đoạn viêm da mủ đang hoạt động vì nó có thể dẫn đến mở rộng vết loét. Ghép da và các thủ thuật phẫu thuật khác có thể được thực hiện khi giai đoạn bệnh đã ổn định, cẩn thận để giảm thiểu chấn thương.
Bên cạnh đó, cần phòng ngừa và hạn chế các chấn thương trên da, kể cả do phẫu thuật và cố gắng tránh làm da bị thương.
3.2. Điều trị bằng thuốc
Các vết loét nhỏ:
- Thuốc mỡ steroid mạnh tại chỗ.
- Thuốc mỡ tacrolimus.
- Tiêm steroid vào mép vết loét (triamcinolone 40 mg/ml được tiêm vào mép vết loét, đơn trị liệu hoặc như một chất hỗ trợ điều trị toàn thân).
- Dung dịch ciclosporin.
- Thuốc kháng sinh đường uống như doxycycline hoặc minocycline.
- Băng ép cẩn thận để giảm sưng.
- Kem bôi da sulfadiazine bạc: Thuốc này là một loại kem được sử dụng để điều trị bỏng độ hai hoặc độ ba và ngăn ngừa hoặc điều trị nhiễm trùng nghiêm trọng. Các tác dụng phụ có thể bao gồm ngứa, sốt, ớn lạnh, phát ban trên da và tăng độ nhạy cảm với ánh nắng mặt trời hoặc tia cực tím (UV).
Không được tùy tiện sử dụng thuốc trị viêm da mủ.
Điều trị toàn thân cho các vết loét lớn:
- Uống prednisone trong vài tuần hoặc lâu hơn, hoặc methylprednisolone tiêm tĩnh mạch ngắt quãng trong 3-5 ngày. Thuốc có thể gây các tác dụng phụ: Tăng cảm giác thèm ăn, tăng cân, thay đổi tâm trạng, mụn trứng cá và mất ngủ.
- Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin, ibuprofen. Khi sử dụng các thuốc này có thể gặp một số tác dụng phụ, bao gồm: Đầy hơi, chướng bụng, đau bụng, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, táo bón…
- Ciclosporin: Thuốc có hiệu quả như prednisone, hầu hết bệnh nhân có cải thiện lâm sàng trong vòng ba tuần với liều 3 – 5 mg/kg/ngày. Ciclosporin có một số tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm độc tích trên thận, tăng huyết áp và tăng nguy cơ ung thư. Mặc dù ciclosporin có thể dùng phối hợp với corticosteroid nhưng không nên dùng ciclosprorin đồng thời với các thuốc giảm miễn dịch khác vì sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và u lympho.
- Tác nhân sinh học: Ngày càng có nhiều bằng chứng về sự thành công với các tác nhân chống TNF: Infliximab , adalimumab, etanercept...
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc
- Có nhiều loại thuốc bôi trị viêm da mủ, mỗi loại có công dụng khác nhau, phù hợp với từng giai đoạn bệnh. Do vậy, người bệnh không nên bôi bừa bãi, tránh làm tổn hại đến làn da và gây nên những hậu quả không mong muốn.
- Nên đi khám để xác định tình trạng, nguyên nhân gây bệnh, dùng thuốc có trong kê đơn của bác sĩ. Bệnh nhân không được tùy tiện sử dụng thuốc, bôi nhiều loại thuốc cùng lúc.
- Vệ sinh sạch sẽ vùng da tổn thương và tay trước khi bôi thuốc để hạn chế nguy cơ bội nhiễm.
- Hạn chế tiếp xúc với môi trường khói bụi, ô nhiễm để tránh kích ứng.
- Khi sử dụng các loại thuốc có chứa thành phần kháng sinh cần cẩn trọng, không dùng thuốc quá 7 – 10 ngày.
- Người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc, uống đúng liều lượng và hiểu rõ các tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc. Từ đó, bệnh nhân cần ý thức tuân thủ dùng thuốc góp phần tăng hiệu quả điều trị.
- Nếu có dấu hiệu bất thường khi dùng thuốc, cần báo ngay cho bác sĩ chủ trị để có phương án xử lý.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Gia tăng số lượng bệnh nhi nhập viện điều trị viêm phổi, viêm tai giữa.