Trần Thị Huệ (Hà Nội)
Bệnh Alzheimer là một nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm trí nhớ, mất các chức năng nhận thức và làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống và làm việc của người bệnh.
Các triệu chứng của bệnh rất đa dạng. Thời gian đầu là chứng hay quên, rối loạn về ngôn ngữ, rối loạn định hướng dẫn đến bị đi lạc… Bệnh nặng hơn, người bệnh có thể bị rối loạn hành vi, trầm cảm, hoang tưởng… dẫn đến mất dần các chức năng quan trọng của con người. Người bệnh sẽ dần suy kiệt và tử vong.
Hiện vẫn chưa có phương pháp nào điều trị được căn bệnh này mà chỉ làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Tùy từng giai đoạn bệnh bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc phù hợp. Các thuốc như: Galamtamine, dopenezil, rivastigmine (dùng trong giai đoạn bệnh từ nhẹ đến trung bình); memantine (dùng trong giai đoạn trung bình đến nặng)… Lưu ý, thuốc chỉ có tác dụng làm chậm quá trình tiến triển của bệnh và hiệu quả càng cao khi bệnh được điều trị càng sớm.
Để ứng phó với các rối loạn hành vi tâm thần, có thể bắt đầu bằng các liệu pháp không dùng thuốc như: Giáo dục người bệnh, tập luyện trị liệu… đến dùng thuốc. Các thuốc có thể dùng như: Risperidone, các thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRIs)…
Các thuốc điều trị Alzheimer cần được sử dụng theo đơn của bác sĩ. Vì vậy, để chẩn đoán mẹ bạn có bị bệnh Alzheimer hay không, bạn cần đưa mẹ đi khám để được dùng thuốc thích hợp.