Các thuốc kháng sinh như gentamycin, tobramycin hay neomycin… chỉ dùng khi có bội nhiễm vi khuẩn và phải có đơn của bác sĩ. Cần lưu ý, khi sử dụng các kháng sinh nhỏ mắt có thể gặp những nguy cơ như mẫn cảm hoặc dị ứng với thuốc, tổn hại do độc tính của thuốc (một số thuốc kháng sinh gây độc thị thần kinh với biểu hiện nhìn mờ), gây kháng thuốc và thay đổi cân bằng vi sinh vật tại mắt. Sự thay đổi vi khuẩn chí ở kết mạc thường xảy ra sau khi sử dụng kháng sinh tra nhỏ mắt kéo dài làm tăng sinh nấm ở túi kết mạc.
Các thuốc corticoid được sử dụng điều trị các tổn thương viêm và dị ứng ở mắt rất có hiệu quả. Đây cũng là thuốc được sử dụng khá phổ biến, thường xuyên và tỏ ra hiệu quả trong điều trị các bệnh mắt. Tuy nhiên mặt trái của thuốc này là gây nhiều tác dụng phụ nguy hiểm cho toàn thân cũng như tại mắt, thậm chí dẫn đến mù lòa nếu dùng không đúng chỉ định hoặc thiếu thận trọng. Tai biến tại mắt thường gặp nhất là làm giảm khả năng đề kháng của mắt với các nhiễm khuẩn nên dễ mắc bệnh, nhất là nhiễm nấm và virut, gây chậm liền vết thương, đục thủy tinh thể. Đặc biệt khi tra corticoid kéo dài sẽ gây tăng nhãn áp (glaucoma do corticoid), một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù. Mức độ tăng nhãn áp phụ thuộc vào từng loại corticoid. Ví dụ, dexamethason hoặc betamethason gây tăng nhãn áp nhiều hơn các loại khác.
Người bệnh đau mắt đỏ cần đi khám và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt. Ảnh: Nam Phương |
Các thuốc corticoid dùng trong nhãn khoa được bào chế dưới dạng thuốc nước, thuốc mỡ, dịch treo ở dạng đơn lẻ như prednisolon, dexamethason, hydrocortisone hoặc phối hợp với kháng sinh như polydexa (polymycin phối hợp với dexamethason) hay phối hợp giữa prednisolon với gentamycin…
Khi sử dụng các thuốc có chứa corticoid, hiện tượng viêm, dị ứng tại mắt sẽ giảm nhanh chóng... Vì vậy, khi bị đau mắt đỏ trong nhân dân nhiều người đã tự ý mua các thuốc có chứa corticoid này về dùng, thấy hiệu nghiệm, thậm chí mắt khỏi rồi còn dùng làm thuốc tra nhỏ thường xuyên rồi mách bảo nhau nên nhiều trường hợp đã bị tai biến đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, thậm chí mù lòa do dùng các thuốc này kéo dài.
Dược sĩ Hoàng Thu