Việc điều trị được thực hiện bằng các phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa, thuốc Tây y hay Đông y. Vậy khi dùng các thuốc tây y chữa trĩ cần chú ý điều gì?
Bệnh trĩ là hậu quả của tình trạng tăng áp lực ở hậu môn và tĩnh mạch trực tràng làm cho các tĩnh mạch bị ứ đọng máu gây khó chịu, đau, nhất là khi ngồi. Trĩ nội có liên quan đến các búi tĩnh mạch trong trực tràng, còn trĩ ngoại có liên quan đến các tĩnh mạch xung quanh hậu môn. Nguyên nhân gây bệnh có thể do táo bón hoặc tiêu chảy mạn tính, ngồi quá lâu, thiếu chất xơ trong chế độ ăn uống, sự suy yếu các mô liên kết ở trực tràng và hậu môn ở người cao tuổi, phụ nữ mang thai, quan hệ tình dục qua đường hậu môn... Theo thống kê, có khoảng 3/4 số người có thể mắc bệnh trĩ và ảnh hưởng đến cả nam lẫn nữ, bệnh thường xuất hiện ở tuổi 45 - 65. Trĩ nội hay trĩ ngoại thường gây triệu chứng khó chịu, đau, chảy máu, hình thành các búi trĩ...
Để điều trị bệnh hiện nay thường dùng các nhóm thuốc sau: Nhóm bôi tại chỗ, thuốc uống và thuốc đặt hậu môn.
Tùy vào cấp độ bệnh bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị phù hợp.
Thuốc bôi tại chỗ
Thuốc bôi tại chỗ sẽ giúp giảm các triệu chứng bệnh. Một số thuốc có thể dùng như proctolog (có tác dụng giảm viêm, nứt hậu môn, chảy máu...; bôi mỗi ngày 2-3 lần lên hậu môn sau khi rửa sạch và lau khô hậu môn); mastu-S (có tác dụng giảm áp lực căng niêm mạc, làm săn chắc, giảm chảy máu, hạn chế tổn thương mô, giảm viêm đau và ngứa...; bôi ở ngoài hoặc bơm vào hậu môn mỗi ngày 2 lần sau khi đi đại tiện và vệ sinh sạch; không dùng cho người bị bệnh lao, giang mai, quá mẫn cảm với thuốc)...
Các loại kem bôi ngoài có các thành phần như prednisolon, lidocain, allatoin, vitamin E... có tác dụng giảm triệu chứng viêm, đau nhức, khó chịu, co mô trĩ tạm thời; bôi kem vùng hậu môn sâu bên trong mỗi ngày 1-3 lần. Ngoài ra, những loại thuốc gây tê, giảm đau khác như trimebutine, dibucaine, medicone... cũng được sử dụng trong một số trường hợp.
Các loại thuốc bôi tại chỗ có thể có một số tác dụng phụ như gây dị ứng da, dùng lâu có thể gây mỏng da... nên cần có sự chỉ định của bác sĩ. Người bệnh tuyệt đối không tự ý mua thuốc về bôi cũng như không nên chỉ dùng thuốc bôi mà cần có sự thăm khám và tư vấn dùng thuốc của bác sĩ chuyên khoa để từ đó có hướng dùng thuốc thích hợp, trong từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ đưa ra cách xử trí phù hợp, sử dụng một hay nhiều loại thuốc chữa trĩ.
Thuốc uống
Có tác dụng giảm triệu chứng viêm sưng, tăng sinh mô liên kết, tụ máu tại búi trĩ bao gồm những loại thuốc co mạch, chống viêm, gây tê, kháng sinh, giảm đau...
Thuốc co mạch như phenylephrine, epinephrine, norepinephrine... giúp co thắt mạch máu, làm mạch máu thu nhỏ lại, búi trĩ teo nhỏ và biến mất; tuy vậy khi dùng các thuốc này có thể gặp các tác dụng phụ như căng thẳng, mất ngủ, run, tăng huyết áp...
Thuốc chống viêm thường dùng là hydrocortisone giúp làm giảm triệu chứng ngứa, sưng, đau, khó chịu... và được chỉ định sử dụng rất hạn chế, ngắn ngày theo hướng dẫn của bác sĩ vì có thể gây nên tác dụng phụ như giảm cân, mệt mỏi, buồn nôn, đau đầu, đau cơ, chóng mặt...
Thuốc kháng sinh như penicilline, cephalosporine, carbapenem... có tác dụng chống lại các loại vi khuẩn do quá trình viêm nhiễm hậu môn cũng được sử dụng theo đơn của bác sĩ.
Một số loại thuốc giảm đau như aspirine, acetaminophen... có thể dùng kèm theo trong một số trường hợp cần thiết.
Thuốc đặt hậu môn
Ngoài thuốc bôi tại chỗ và thuốc uống, các loại thuốc đặt hậu môn cũng được dùng dưới dạng viên đạn như avenoc, witch hazel, calmol...; thuốc có tác dụng khá tốt đối với trường hợp trĩ nội, làm giảm triệu chứng viêm, sưng, đau, cải thiện được tình trạng bệnh lý. Tuy nhiên cũng giống như thuốc bôi tại chỗ, thuốc đặt hậu môn cũng có thể có các tác dụng không mong muốn như làm mỏng da, kích ứng tại chỗ... vì vậy người bệnh không được tự ý dùng.
Ngoài các loại thuốc được sử dụng, người mắc bệnh trĩ cần lưu ý thực hiện các chế độ ăn uống, sinh hoạt để hạn chế tiến triển của bệnh như: Ăn nhiều ngũ cốc, trái cây, rau xanh, uống nhiều nước, tập thể dục để ngăn ngừa táo bón; giữ hậu môn luôn sạch sẽ, không dùng giấy vệ sinh khô ráp mà dùng bằng giấy khăn ướt hoặc rửa hậu môn bằng nước sạch sau khi đi đại tiện; có thể chườm nước đá khi bị sưng, đau nhiều ở hậu môn...