Đặc biệt, khoảng 70% bệnh nhân loét dạ dày, 90% bệnh nhân loét tá tràng có sự hiện diện của HP ở niêm mạc dạ dày.
Do nghe nói tỷ lệ nhiễm HP ở nước mình thuộc loại cao và có thể gây ung thư dạ dày, nên hiện nay có tình trạng một số người khi bị khó tiêu đầy bụng, buồn nôn ợ chua là vội vàng ra nhà thuốc mua kháng sinh về tự dùng gọi là để diệt HP. Tự ý dùng thuốc kháng sinh như thế là rất nguy hiểm!
Phải xét nghiệm bị nhiễm HP, bác sĩ chỉ định mới dùng thuốc
Để xác định có bị bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng (VLDD-TT) hay không và nhất là viêm loét do nhiễm HP, bệnh nhân phải đi khám và sẽ được bác sĩ chỉ định nội soi dạ dày, chẩn đoán nhiễm HP bằng các phương pháp xét nghiệm dựa trên mẫu mô sinh thiết (khi nội soi bác sĩ sẽ cắt một mẫu rất nhỏ niêm mạc để xem xét). Nếu bác sĩ khám và yêu cầu xét nghiệm nội soi, người bệnh nên tuân thủ để được xác định tình trạng bệnh như thế nào. Một nguyên tắc trong điều trị nhiễm HP là chỉ khi nào xét nghiệm chắc chắn bị nhiễm HP (HP dương tính) mới dùng phác đồ kháng sinh để điều trị.
Tiệt trừ HP rất khó vì con vi khuẩn này phát sinh tính đề kháng tức chống lại tác dụng của kháng sinh rất nhanh và phức tạp. Để đối phó với tính đề kháng rất nhanh của HP các nhà khoa học luôn theo dõi và tìm ra các phác đồ điều trị mới hiệu quả thay cho các phác đồ bị thất bại.
Đầu tiên phải dùng Phác đồ ban đầu ba thuốc, và phác đồ chuẩn ban đầu là phối hợp 3 thuốc: omeprazol hoặc một thuốc ức chế bơm proton khác kết hợp 2 kháng sinh là amoxicillin và clarithromycin. Khi phác đồ ban đầu ba thuốc thất bại phải dùng Phác đồ bốn thuốc (có hai kháng sinh, gồm omeprazol bismuth subsalicylat tetracyclin metronidazol). Thất bại nữa phải dùng Phác đồ bốn thuốc điều trị “liên tiếp” (sequential therapy, có ba kháng sinh, gồm 5 ngày đầu: omeprazol amoxicillin, 5 ngày sau: omeprazol clarithromycin metronidazol). Mới đây nhất là Phác đồ “cứu vãn” (salvage regimen), đây là phác đồ dùng sau cùng khi các phác đồ vừa kể thất bại, đặc biệt dùng phải dùng các loại kháng sinh mới.
Trị HP quả là khó ghê gớm! Cũng vì thế, việc dùng kháng sinh trị HP phải tuyệt đối dành cho bác sĩ hiểu biết chuyên môn chỉ định và kê đơn dùng. Người dân tuyệt đối không tự ý ra nhà thuốc mua kháng sinh dùng gọi là diệt HP ngừa hiểm họa, rất nguy hiểm!
Người nghi ngờ mình bị VLDD-TT cần đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán xác định bệnh. Tùy theo mức độ bệnh: rối loạn tiêu hóa giống loét (có triệu chứng giống loét nhưng chẩn đoán xét nghiệm không có loét), viêm và nặng hơn là loét (loét được định nghĩa đã có sự mất chất liệu niêm mạc) mà chế độ điều trị bằng thuốc có khác nhau. Riêng loét dạ dày rất cần khám thường xuyên vì bệnh lý này có nguy cơ trở thành ung thư dạ dày, cần phát hiện sớm để chữa trị kịp thời.
Không tuân thủ phác đồ dùng kháng sinh tiệt trừ HP là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến điều trị diệt trừ HP thất bại. Bác sĩ cần dành thời gian tư vấn, giải thích cách sử dụng thuốc và các tác dụng phụ (dùng kháng sinh có thể bị tiêu chảy) cho bệnh nhân sẽ giúp làm tăng tỉ lệ tuân thủ và tỉ lệ diệt trừ thành công.
Bệnh nhân phải đi khám và được bác sĩ chỉ định nội soi dạ dày
Không lây nhiễm, không gian nan điều trị!
Việc điều trị HP rất khó khăn nên từ lâu, người ta nghĩ đến phòng ngừa tức không để HP lây nhiễm từ người này sang người khác. Không bị lây nhiễm, không phải gian nan trong việc điều trị.
Vi khuẩn HP có thể có trong nước bọt, chất nôn, dịch tiết ra từ dạ dày hoặc miệng. Nguy cơ nhiễm khuẩn HP sẽ tăng nếu những chất này được đưa đến miệng hoặc cho tay vào miệng sau khi chạm vào những nơi chứa vi khuẩn.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nhiễm HP trong cộng đồng nước ta rất cao là do thói quen ăn uống “chung đụng”. Thông thường khi ăn uống người Việt luôn có thói quen chấm chung một chén nước chấm, dùng đũa của mình gắp thức ăn cho người khác để tỏ sự hiếu khách. Thói quen ăn uống này tưởng như thân tình nhưng nó là con đường để vi khuẩn HP xâm nhập vào cơ thể nhanh nhất. Bên cạnh đó, sở thích ăn uống ở hàng quán vỉa hè kém vệ sinh càng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn HP, thậm chí nhiễm nhiều bệnh lây qua đường miệng khác như viêm gan siêu vi A, viêm gan siêu vi E.
Nếu có điều kiện, nên dùng phần ăn riêng, nhất là nước chấm. Nếu món ăn bắt buộc phải dùng chung, nên để vào đó một chiếc muỗng sạch dùng chung. Múc riêng ra vào chén mình mỗi khi dùng. Không nên dùng chung ly uống nước để đảm bảo vệ sinh cho mình và cho người..