Disulfiram không phải là thuốc chữa nghiện rượu mà chỉ dùng để hỗ trợ điều trị nghiện rượu mạn tính. Liệu pháp này chỉ giới hạn cho những người bệnh chọn lọc có ý chí cao kết hợp với liệu pháp tâm thần hỗ trợ.
Bản thân disulfiram là một chất tương đối không độc, nhưng thuốc làm thay đổi rõ rệt chuyển hóa trung gian của rượu và làm tăng nồng độ acetaldehyd trong máu gấp 5-10 lần so với mức đạt được ở người uống rượu không dùng disulfiram trước. Vì vậy, nếu một người đang dùng disulfiram mà tiếp tục uống rượu sẽ gây hội chứng acetaldehyd. Trong vòng 5-10 phút, mặt cảm thấy nóng và ngay sau đó đỏ bừng. Tiếp theo có cảm giác mạch đập ở đầu, cổ và phát triển nhức đầu mạch đập. Người bệnh thấy khó thở, buồn nôn, ra mồ hôi, khát, đau ngực, hạ huyết áp, ngất thế đứng, yếu ớt, chóng mặt, nhìn mờ và lú lẫn. Mặt đỏ bừng chuyển sang tái xanh và huyết áp có thể hạ tới mức sốc. Chỉ 7ml rượu có thể gây triệu chứng nhẹ ở người nhạy cảm và tác dụng này khi xảy ra, kéo dài 30 phút đến nhiều giờ. Khi những triệu chứng hết, người bệnh mệt lả và có thể ngủ thiếp trong nhiều giờ. Chính vì hội chứng chuyển hóa này mà người bệnh sợ uống rượu, khi dùng disulfiram phải cảnh báo cho người bệnh tránh dùng sirô ho, nước sốt, giấm, rượu ngọt và những chế phẩm khác có chứa rượu. Dùng ngoài các thuốc xoa hoặc thuốc rửa có cồn kể cả nước thơm dùng sau khi cạo râu... cũng có thể đủ để gây phản ứng disulfiram - rượu. Phản ứng này có thể xảy ra nhiều tuần sau khi đã ngừng dùng disulfiram.
Do những nguy cơ trên nên bệnh nhân không tự ý sử dụng thuốc này. Bệnh nhân chỉ được dùng khi có chỉ định và sự theo dõi của bác sĩa và thường bắt đầu điều trị tại bệnh viện. Người dùng disulfiram phải được thông báo đầy đủ về nguy cơ của liệu pháp, hướng dẫn gia đình người bệnh về nguy cơ của phản ứng disulfiram - rượu và cho họ biết không được dùng disulfiram để điều trị ngộ độc rượu cấp tính ở người bệnh.
BS. Nguyễn Bích Ngọc