Không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào trong thời gian nghỉ hè

24-05-2022 09:46 | Xã hội
google news

SKĐS - Sở GD&ĐT Hà Nội vừa yêu cầu các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào trong dịp hè. Đồng thời yêu cầu các nhà trường không được dạy trước chương trình hoặc tổ chức ôn tập, luyện thi, kiểm tra, khảo sát để xếp lớp năm học 2022-2023.

Đó là một trong những nội dung quan trọng trong Kế hoạch tổ chức hoạt động hè cho học sinh năm 2022 của Sở GD&ĐT vừa mới ban hành. Kế hoạch nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm và sự quan tâm của nhà trường, gia đình và xã hội trong việc chăm sóc, quản lý, giáo dục học sinh

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, việc ôn tập văn hóa trong hè chỉ dành cho học sinh, học viên có học lực yếu, kém. Hiệu trưởng các nhà trường, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có trách nhiệm lập kế hoạch ôn tập văn hóa, bồi dưỡng kiến thức cho những học sinh, học viên có học lực yếu, kém; bố trí thời gian hợp lý để tổ chức thi và xét lên lớp cho những học sinh, học viên thuộc diện thi lại, học sinh phải rèn luyện trong hè.

Với trẻ ở độ tuổi mầm non, căn cứ điều kiện thực tế và nhu cầu gửi con của cha mẹ trẻ, tinh thần tự nguyện của giáo viên đăng ký làm hè, cơ sở giáo dục mầm non xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động hè, báo cáo UBND xã, phường, thị trấn (đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập) và phòng giáo dục và đào tạo.

Không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào trong thời gian nghỉ hè - Ảnh 1.

Để bảo đảm an toàn cho học sinh trong thời gian nghỉ hè, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc quản lý, giáo dục học sinh.

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các phòng GD&ĐT chỉ đạo, giám sát các cơ sở giáo dục mầm non trong việc thực hiện công tác quản lý và duy trì sổ trực hè (thời gian, người trực, chất lượng công việc, công tác báo cáo...), nhằm bảo đảm an toàn về thể chất, tinh thần cho trẻ ở mọi lúc, mọi nơi, không để xảy ra bất kỳ vụ việc vi phạm quy định. Các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện chế độ thu, chi trên tinh thần thỏa thuận với phụ huynh của trẻ và được sự đồng ý của các cấp quản lý; song song với đó là quan tâm thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên; phân công giáo viên, nhân viên thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ.

Phòng GD&ĐT có trách nhiệm chỉ đạo Ban giám hiệu, tổ chuyên môn thống nhất hướng dẫn giáo viên lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục theo hình thức "chơi mà học, học bằng chơi", phù hợp với độ tuổi của trẻ và điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục mầm non; chú trọng các hoạt động dạy trẻ, bảo vệ an toàn bản thân, kỹ năng tự phục vụ, vệ sinh phòng, chống dịch bệnh.

Đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi, các nhà trường cần lựa chọn trang bị những nội dung giáo dục, kỹ năng cốt lõi, cần thiết để trẻ nhanh chóng thích nghi với giai đoạn chuyển tiếp, từ đó có tâm thế tốt nhất cho trẻ trước khi vào lớp 1.

Đối với cấp học phổ thông, nhà trường có trách nhiệm phối hợp cùng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội tại địa phương tổ chức bàn giao học sinh về sinh hoạt hè tại địa phương chu đáo, bảo đảm an toàn.

Đồng thời, duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của các loại hình cơ sở dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường học như điểm tư vấn, phòng tham vấn học đường; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng về việc chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống tai nạn giao thông, tai nạn rơi, ngã tại các khu chung cư, nhà cao tầng…

Để bảo đảm an toàn cho học sinh trong thời gian nghỉ hè, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc quản lý, giáo dục học sinh, đặc biệt quan tâm nhắc nhở học sinh không được tắm, bơi ở nơi có nguồn nước không bảo đảm vệ sinh, nơi có địa hình hiểm trở.

Các nhà trường tạo điều kiện lắp đặt "bể bơi thông minh" tại trường để tổ chức các lớp dạy bơi nhằm phổ cập bơi, nâng cao kỹ thuật bơi, kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh; vận động cha mẹ học sinh cho con tham dự các lớp học bơi trong dịp hè. Khuyến khích các nhà trường tạo điều kiện cho học sinh được sử dụng cơ sở vật chất của đơn vị như thư viện, nhà thể chất, sân vận động… để học sinh có thể vào ôn tập, đọc sách, đọc báo, tra cứu tài liệu, tập luyện và vui chơi.

Học tiền tiểu học: Lợi bất cập hạiHọc tiền tiểu học: Lợi bất cập hại

SKĐS - Tháng 9 tới, lứa "khỉ vàng" 2016 sẽ bước vào lớp 1. Sau thời gian dài phải ở nhà để phòng dịch COVID-19, nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi này lo lắng đã cho con đi học các lớp tiền tiểu học.


ĐV
Ý kiến của bạn