Không tiếp xúc trực tiếp với gia cầm vẫn mắc cúm

16-03-2010 4:05 PM | Thời sự

Không trực tiếp tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh, cũng không trực tiếp làm thịt hay ăn thịt gia cầm ốm chết nhưng chị N.T.T.T, 25 tuổi, ở Phù Ninh, Sóc Sơn, Hà Nội vẫn mắc cúm A/H5N1,

Không trực tiếp tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh, cũng không trực tiếp làm thịt hay ăn thịt gia cầm ốm chết nhưng chị N.T.T.T, 25 tuổi, ở Phù Ninh, Sóc Sơn, Hà Nội vẫn mắc cúm A/H5N1, một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có tỉ lệ tử vong rất cao. Các chuyên gia dịch tễ cho rằng, có thể virut phát tán trong môi trường cũng là nguyên nhân dẫn đến việc lây nhiễm bệnh này.

Khoảng một tuần trước khi chị T. được phát hiện nhiễm cúm A/H5N1, gia đình chị T. phát hiện bên hàng rào cạnh nhà người hàng xóm có một con gà chết, lông lá còn vương vãi xung quanh khu vực đó. Cẩn thận, người chồng chị T. đã mang con gà đi chôn. Tuy nhiên, sau đó một tuần, chị T. bắt đầu xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, đau họng, đau đầu và bắt đầu có dấu hiệu khó thở. Do chủ quan, chị T. chỉ điều trị tại nhà bằng thuốc thông thường và truyền dịch. Bệnh tình xấu hơn, đến ngày thứ ba sau khi nhiễm bệnh, chị T. mới được đưa đến BV Bắc Thăng Long, Hà Nội khám. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nghi do virut và được điều trị bằng thuốc kháng virut, kháng sinh hỗ trợ. Ba ngày sau, sức khỏe của bệnh nhân vẫn xấu đi, bệnh nhân T. được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai và được Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương khẳng định kết quả xét nghiệm dương tính với virut cúm A/H5N1.

 Bệnh nhân T. đang được điều trị tại Khoa hồi sức tích cực tại BV Bạch Mai. Ảnh: HH

Chiều 15/3, phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống đã có mặt tại Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Bạch Mai. BS. Nguyễn Đăng Tuân, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân T. cho biết, do bệnh nhân khi được chuyển đến bệnh viện đã ở ngày thứ năm của bệnh nên sức khỏe đã bị suy giảm nghiêm trọng, bạch cầu giảm, tiểu cầu giảm xuống còn 51.000/ 1 ml máu trong khi ở người bình thường phải đạt mức trên 150.000/ 1 ml máu. Bệnh nhân bị suy đa phủ tạng (4/5 tạng gồm: tạng tuần hoàn, tạng hô hấp, tạng huyết học và tạng tiêu hóa). Bệnh nhân T. lại vừa sinh con được 3 tháng nên sức khỏe càng nghiêm trọng hơn. Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, bệnh viện đã hội chẩn toàn viện và quyết định sử dụng phác đồ kháng sinh, kết hợp điều trị suy đa phủ tạng, lọc máu liên tục bằng kỹ thuật hấp phụ để loại trừ các yếu tố gây viêm. Hiện bệnh nhân vẫn phải thở máy và xuất hiện thêm tràn khí màng phổi. Các bác sĩ đã tiến hành đặt catheter để dẫn lưu khí màng phổi, bảo đảm cung cấp máu, oxy cho bệnh nhân. Tuy nhiên tình trạng bệnh nhân đến ngày 15/3 vẫn rất nặng, phổi xấu do hội chứng suy hô hấp tiến triển (ARDS), sốc nhiễm khuẩn. Theo BS. Tuân, bệnh viện đã từng cứu sống bệnh nhân bị cúm A/H5N1 bị suy 4/5 tạng nhưng trường hợp bệnh nhân T. quá nặng và không thể tiên liệu trước điều gì. Hiện các bác sĩ đang tập trung theo dõi sát, cử nhân viên y tế trực 24/24h bên giường bệnh để theo dõi các biến chứng có thể xảy ra cho bệnh nhân và xử lý kịp thời.

TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, theo điều tra dịch tễ ban đầu cho thấy, từ đầu tháng 3/2010 đến nay, khu vực xung quanh nhà bệnh nhân T. có gia cầm ốm, chết rải rác. TS. Dương cũng cho hay, không loại trừ trường hợp virut cúm A/H5N1 phát tán trong môi trường xung quanh nhà có thể là nguồn lây bệnh cho bệnh nhân này. Do đó, các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo, người dân cần thông báo với chính quyền địa phương nếu phát hiện gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý môi trường kịp thời. Đồng thời, khi tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh, gia cầm ốm, chết phải trang bị bảo hộ lao động đầy đủ, rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn sau khi tiếp xúc với gia cầm. Đặc biệt khi có các biểu hiện sốt, ho, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, nhất là những người có sức đề kháng kém như người già, trẻ nhỏ và những người bị suy giảm sức đề kháng như phụ nữ mang thai, mới sinh nở hoặc người có bệnh mãn tính... Có thể thấy rằng, việc coi thường những khuyến cáo của ngành y tế tất yếu dẫn đến những hậu quả khó lường.

Hạ Hiền


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH