Không tiêm vắc-xin: Hiểm họa cho cuộc sống

28-04-2019 07:15 | Thời sự
google news

SKĐS - Hình ảnh những đứa trẻ nằm thoi thóp trong phòng hồi sức, cả tay và chân đều bị cột chặt vào giường do biến chứng nặng nề từ căn bệnh sởi... là kết cục của việc không tiêm vắc-xin.

Theo các chuyên gia, phần lớn trẻ mắc sởi đều không được tiêm phòng đầy đủ, mà một trong những nguyên nhân là do phong trào anti vắc-xin (nói không với vắc-xin) được nhiều phụ huynh mê muội tin tưởng.

Trong khi các bác sĩ đang cố gắng sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, tư vấn sức khỏe cho cộng đồng thì cũng có rất nhiều thành phần đang biến mạng xã hội thành công cụ để tung thông tin sai lệch, kêu gọi bài trừ tiêm vắc-xin.

Theo đánh giá, trào lưu anti vắc-xin này thực chất đã có từ lâu, gần đây lại được rộ lên do sự trợ giúp của mạng xã hội. Những người đứng đầu các hội nhóm này cố tình đánh tráo những khái niệm, một mực cho rằng tiêm vắc- xin là tiêm vào người chất độc. Mà thực ra chính họ không có chút kiến thức y học nào cả. Xuất phát từ một số gia đình có con mắc một vài khiếm khuyết nào đó thuộc về bẩm sinh, họ quy trách nhiệm cho vắc-xin, phủ nhận lợi ích của việc tiêm phòng bằng việc dẫn chứng một vài trường hợp phản ứng sau tiêm mà quy chụp và khẳng định tiêm vắc-xin là độc hại. Đau lòng thay, mỗi loại vắc-xin ra đời là cả một công trình nghiên cứu tốn nhiều thời gian, tiền bạc, công sức và được theo dõi chặt chẽ. Thế nhưng nhiều người vẫn ra sức kêu gọi bài trừ vắc-xin. Đó thực sự là tội ác.

Không tính đến việc những gia đình không có điều kiện kinh tế, thiếu hiểu biết, phần đông những người tham gia anti vắc-xin đều là những người có kiến thức. Tuy nhiên, giữa việc chăm sóc con theo phương pháp khoa học và thuận theo tự nhiên, họ lại dễ lung lay trước nguồn tin không đúng. Chỉ cần tỷ lệ không tiêm phòng cao, miễn dịch cộng đồng sẽ dễ mất. Lúc đó, dịch bệnh sẽ bùng phát. Cái giá phải trả đôi lúc là tính mạng của cả một thế hệ, không phải của riêng ai.

Không tiêm vắc-xin: Hiểm họa cho cuộc sốngĐưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh.       Ảnh: TM

Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố danh sách liệt kê 10 thách thức lớn nhất đe dọa đến sức khỏe toàn cầu, trong đó có việc từ chối tiêm chủng vắc-xin. Vấn đề được WHO gọi tên là “do dự vắc-xin” - định nghĩa là sự miễn cưỡng hoặc từ chối tiêm vắc-xin mặc dù có thể tiếp cận chúng. Vì nguyên nhân nào đó, việc tiêm vắc-xin an toàn, hiệu quả và chi phí thấp nhưng nhiều người vẫn từ chối tiêm chủng cho bản thân và cho con mình. Khó khăn chính là làm sao thuyết phục được mọi người tin vào những sự thật khoa học về vắc-xin chứ không phải những tin giả hoặc thông tin sai lệch thường được lan truyền trên mạng. Vô vàn bằng chứng khoa học đã chứng minh sự hiệu quả và an toàn của các loại vắc-xin nhưng trớ trêu thay, WHO cho biết tỷ lệ tiêm chủng trên toàn cầu đã giảm trong những năm gần đây, chỉ ở mức chấp nhận được. Trong nhiều nhóm cộng đồng tại nhiều quốc gia, vẫn có những người tin vào thông tin sai lệch về vắc-xin.

Chính vì vậy, số ca mắc sởi được báo cáo gia tăng nhanh  trên toàn thế giới, mặc dù căn bệnh truyền nhiễm này có thể dễ dàng phòng ngừa bằng 2 liều vắc-xin. Điều đáng quan ngại là một số quốc gia gần như đã xóa sổ được căn bệnh này lại đang phải chứng kiến dịch bùng phát trở lại.

Chẳng hạn như tại Anh, Giám đốc Y tế (CMO) Dame Sally Davies đã phải lên tiếng cảnh báo về tỷ lệ tiêm chủng thấp ở nước này. Theo đó, chỉ có 87% trẻ em ở Anh được tiêm phòng đủ 2 mũi vắc-xin MMR (sởi, quai bị và Rubella), dưới mục tiêu 95% để tạo được miễn dịch cộng đồng. Điều này đã khiến dịch sởi trở lại và lây nhiễm 903 người ở Anh trong năm 2018 - con số đỉnh điểm kể từ sau cuộc khủng hoảng với tin tức giả những năm 2000. Nó để lộ điểm yếu trong miễn dịch cộng đồng khi nhiều trẻ em 15 tuổi ở Anh hiện nay đã bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng.

Cơn khủng hoảng vẫn đang được thúc đẩy bởi một phong trào chống vắc-xin tràn lan trên toàn cầu. Nó đe dọa sẽ đảo ngược những tiến bộ y tế mà thế giới đạt được trong hàng thập kỷ, trong việc phòng ngừa và loại bỏ những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Tại Mỹ, kết quả của một cuộc khảo sát được công bố vào năm ngoái cho thấy niềm tin của người Mỹ đối với vắc-xin đang tuột dốc đến mức nguy hiểm. Nhưng không có nghĩa là sự hoài nghi ngày càng tăng này chỉ giới hạn trong biên giới nước Mỹ.

Kể từ đầu thế kỷ, vắc-xin sởi đã cứu sống hơn 21 triệu người, giảm 80% số người chết vì bệnh này trên toàn cầu chỉ sau 17 năm. Ngay khi thế giới đang ở gần vạch đích hơn bao giờ hết để xóa sổ bệnh sởi thì phong trào anti vắc-xin đã khiến bệnh trở lại. Sự hồi sinh của bệnh sởi và các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa khác là một mối quan tâm thực sự và đó là điều mà WHO quyết tâm giải quyết trong năm 2019.

UNICEF: Dịch sởi bùng phát do hơn 160 triệu trẻ em không được tiêm vắc-xin

Ngày 25/4, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thông báo trong 8 năm qua, ít nhất 169 triệu trẻ em bị bỏ lỡ mũi tiêm vắc-xin sởi đầu tiên, tương đương với tỷ lệ trung bình là 21,1 triệu em/năm. Thực trạng này dẫn đến việc số ca nhiễm sởi trong quý I năm 2019 tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, lên 112.163 trường hợp. Sởi là căn bệnh lây nhiễm cao có khả năng dẫn đến mù lòa, điếc, tổn thương não và tử vong. Căn bệnh này hiện đang làm bùng phát dịch tại nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có Mỹ, châu Âu, Philippines, Tunisia và Thái Lan. WHO nhấn mạnh rằng tỷ lệ tiêm vắc-xin vào khoảng 95% là cần thiết để tạo ra sự miễn dịch chống lại căn bệnh này. Tuy nhiên, việc lo sợ và hoài nghi về vắc-xin đã khiến tỷ lệ tiêm mũi vắc-xin sởi đầu tiên chỉ là 85% trong năm 2017, tương đương với tỷ lệ của thập niên trước. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm mũi thứ hai còn thấp hơn, chỉ là 67%. Năm 2017, khoảng 110.000 người, chủ yếu là trẻ em, đã tử vong vì bệnh sởi, tăng 22% so với năm trước đó.

A.H (Theo BBC)


MINH HOÀNG
Ý kiến của bạn