Các ca mắc sởi phân bố tại 29/30 quận, huyện, thị xã. Số ca mắc tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành (chiếm 73%). Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân sởi như: Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Ba Đình. Điều đáng nói là 92% bệnh nhân mắc sởi chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng do mất sổ tiêm chủng. Trong tuần không ghi nhận các trường hợp mắc não mô cầu, liên cầu lợn và các dịch bệnh xâm nhập nguy hiểm.
Chủ động đưa con em đi tiêm vắc-xin sởi để phòng bệnh. Ảnh: TM
Trong thời gian qua, dịch sởi tiếp tục có xu hướng gia tăng trong cả nước, đặc biệt là tại các tỉnh thành phía Nam (trong tuần cuối tháng 3, tại TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 178 ca sởi lâm sàng).
Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội, sự e ngại sử dụng vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng của các bậc phụ huynh, trong khi các loại vắc-xin dịch vụ đang bị thiếu hụt tại một số nơi dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch còn thấp. Trong khi đó, các báo cáo NRA về theo dõi phản ứng sau tiêm cho thấy vắc-xin dịch vụ cũng có trường hợp gặp phản ứng tương tự vắc-xin tiêm chủng mở rộng.
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội, vắc-xin là vũ khí hiệu quả phòng chống 10 loại bệnh. Nhưng hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng một số loại vắc-xin còn thấp. Nếu tỷ lệ tiêm thấp, không chỉ có sởi mà trong tương lai, một số dịch bệnh đã khống chế như bại liệt sẽ có nguy cơ quay trở lại. Thực tế hiện nay, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế thường tìm đến tiêm chủng dịch vụ. Thậm chí, nhiều phụ huynh chờ vắc-xin dịch vụ dẫn đến khoảng trống tiêm phòng. Trong khi chờ tiêm vắc-xin dịch vụ, trẻ chưa có miễn dịch như các cháu cùng tháng tuổi sẽ dễ mắc bệnh.
Hà Nội phấn đấu khống chế dịch bệnh sởi trong quý II/2019, giảm dần số ca mắc sởi. Để thực hiện mục tiêu này, quan trọng nhất hiện nay là triển khai tốt công tác tiêm phòng. Vì vậy, các quận, huyện có tỷ lệ tiêm chủng thấp cần phải rà soát đối tượng trẻ trong độ tuổi tiêm chủng; đồng thời, cần có sự tham gia phối hợp của đội ngũ cộng tác viên dân số cùng vào cuộc, rà soát lập danh sách cụ thể trẻ cần tiêm chủng theo hộ gia đình..
Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc-xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc-xin phòng sởi.
Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.
Trường hợp mắc sởi nhẹ được cho cách ly tại nhà, trẻ cần phải nghỉ học, không tham gia các hoạt động tập thể ít nhất 7 ngày kể từ ngày phát ban sởi để tránh lây lan ra trường học và những người xung quanh.
Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
Người lớn chưa tiêm vắc-xin sởi cần chủ động đi tiêm tại các cơ sở y tế để tránh bị mắc sởi.