Không thể phi văn hóa trong cuộc thi hoa hậu, người đẹp

01-08-2014 21:08 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Cuộc thi “Nữ hoàng sắc đẹp - 2014” vừa diễn ra đã gây nhiều chuyện lùm xùm, chẳng những là cuộc thi “chui”… “nổi tiếng” ...

Cuộc thi “Nữ hoàng sắc đẹp - 2014” vừa diễn ra đã gây nhiều chuyện lùm xùm, chẳng những là cuộc thi “chui”… “nổi tiếng” mà còn xảy ra sự việc nổi cộm là Ngọc Bích (Giải Người đẹp hình thể) vứt băng giải vào xe rác và công bố các tin nhắn của Trưởng ban Tổ chức gửi cho cô) một lần nữa khiến các cơ quan chức năng và dư luận xã hội thấy bức xúc và cần phải có các quy định, chế tài nghiêm chỉnh về việc tổ chức các cuộc thi HH và Người đẹp.          

Việt Nam vẫn đang trong tình trạng kém phát triển, mức sống của đại đa số nhân dân vẫn thuộc diện nghèo trên thế giới, kinh tế - văn hóa - xã hội còn nhiều lạc hậu và yếu kém, đang khốn khó vì nạn tham nhũng, lạm phát, giá cả gia tăng và nhiều chuyện bức xúc khác nhưng lại đứng thứ nhất hành tinh về số lượng và cường độ các cuộc thi hoa hậu (HH), thi người đẹp (NĐ) đủ mọi loại hình. Nào là HHVN, HH Thế giới người Việt (lại còn phải cử các đoàn đi nhiều nước trên thế giới để sơ khảo cuộc thi HH này), HH Trang sức, HH Du lịch VN, HH vùng miền, HH Biển, Người đẹp Hoa Anh đào, HH Tài năng đặc biệt, HH Học đường, Nữ hoàng sắc đẹp...; chưa kể các cuộc thi HH thế giới mà Việt Nam háo hức xin đăng cai! Cấp trung ương... náo nhiệt liên tục mở các cuộc thi HH và NĐ, rồi các địa phương, các đơn vị cơ sở cũng rầm rộ, đua chen làm theo. Thật là loạn các cuộc thi HH và NĐ! Chỉ còn thiếu HH Xóm, HH Cụm dân cư, HH Tổ dân phố nữa là đủ ghi vào sách kỷ lục Guinness.

Bà Kim Hồng (trái) và hoa hậu Triệu Thị Hà (phải).

Bà Kim Hồng (trái) và hoa hậu Triệu Thị Hà (phải).

Cuộc thi HH, NĐ nào cũng xảy ra các “scandal”, cả trước, trong và sau mỗi cuộc thi. Một vụ nổi bật, báo chí đã đưa tin: HH Trang sức - 2007 có chuyện “ngã giá” đổi tiền lấy giải, rồi đổi tình lấy giải. Có vị trong Ban Tổ chức (BTC) mời nhiều người đẹp đi chơi Vũng Tàu khi cuộc thi đang diễn ra, rồi có nhà tài trợ, mạnh thường quân không kìm được cảm xúc đã ôm chầm lấy người đẹp tại khách sạn - bị chính các TS tố cáo trên báo chí.

Cuộc thi HHHV Thế giới do Việt Nam đăng cai, tổ chức tại Nha Trang tháng 6/2008, có nhà báo khi đang tác nghiệp thì bị người nhà của công ty (là nhà tài trợ chính) đấm vào mặt, sỉ mắng trước các quan khách và các người đẹp thế giới.

Đến cuộc thi HHVN - 2008 thì lại bùng lên một “scandal” mới, đó là chuyện “vượt rào” của BTC và việc tân HH Trần Thùy Dung bị phát hiện chưa tốt nghiệp THPT. HHVN - 2008 là một cuộc thi tổ chức luộm thuộm, cẩu thả. Do tổ chức vội vàng, thiếu khoa học và quá chủ quan nên BTC đã không có một bộ phận chuyên trách để kiểm tra kỹ hồ sơ, các tiêu chuẩn dự thi của các TS.

Cũng có vài cuộc thi HH và NĐ phải hủy bỏ vì quá ít người dự thi do nhiều thí sinh ngại ngùng những việc sẽ diễn ra trong và sau các cuộc thi cũng như những quy định ngặt nghèo và “không rõ ràng” của BTC đặt ra.

Mới đây, HH Thế giới người Việt - Lưu Thị Diễm Hương đăng quang năm 2010, bị “tố” có chồng trước khi dự thi HH. Báo chí có nhiều tin, bài về chuyện Diễm Hương không trung thực khi tham gia cuộc thi. Rồi Cục Nghệ thuật Biểu diễn có công văn thông báo sẽ tịch thu vương miện HH và cấm Diễm Hương tham gia các cuộc trình diễn nghệ thuật, đóng phim. Thế rồi, “lệnh” của Cục lại được thu hồi và Diễm Hương vẫn cứ là HH và được tham gia đóng phim, trình diễn.

Chuyện khá nóng là việc HH các dân tộc Việt Nam (HHCDTVN) lần thứ 2, năm 2011 Triệu Thị Hà gửi đơn xin trả lại vương miện. Lý do chính khiến cô viết đơn là việc cô bị BTC cuộc thi HH “lạm dụng sức lao động quá mức”.

Cuộc thi HHCDTVN lần thứ 3, năm 2013 cũng do bà Đoàn Thị Kim Hồng làm Trưởng BTC. Ngay sau đêm chung kết, đã có nhiều thông tin về chuyện mua bán danh hiệu HH - 1,5 tỷ đồng. Thí sinh Phạm Thanh Tâm (ở ngành công an TP. Hồ Chí Minh - người đoạt danh hiệu Người đẹp Du lịch) sau khi cuộc thi này kết thúc đã tuyên bố trả lại danh hiệu. Cô cho biết: “BTC đã cư xử thiếu tôn trọng, bắt ép thí sinh làm việc quá mức ngay cả khi bị ốm nặng và đã có đơn xin nghỉ”; “Trong hợp đồng, cam kết (của cuộc thi) có những quy định khó hiểu”.

Và chuyện nóng hổi nhất, vừa diễn ra là cuộc thi “chui” mang tên Nữ hoàng sắc đẹp - 2014 như đã đề cập ở đầu bài này.

Với các cuộc thi HH và NĐ, phải thật sự là việc “tôn vinh cái đẹp” và đề cao tiêu chí “trung thực! Xin đừng sử dụng cái đẹp vào những mục đích thương mại, mục đích vụ lợi cho một số người, để đánh bóng tên tuổi người tổ chức và các đơn vị tài trợ; để kiếm tiền, kiếm danh và cả kiếm tình; để lòe bịp thiên hạ bằng vỏ bọc hào nhoáng mà rỗng tuếch! Đấy cũng chính là sự coi thường pháp luật. Tổ chức thi HH và NĐ là việc nên làm nhưng phải có chọn lọc, có chừng mực, đảm bảo tính văn hóa và phải được chuẩn bị chu đáo, đồng thời phải đúng pháp luật. Chớ lạm dụng các cuộc thi HH và NĐ - một hoạt động văn hóa - vào những mục đích phi văn hóa, phản văn hóa. Song, bên cạnh đó, chính các HH và người đẹp cũng phải làm sao cho xứng đáng với danh hiệu mà mình đã giành được - nghĩa là phải nêu cao tính văn hóa, đạo đức, giữ được sự đúng mực của mình trong mọi mối quan hệ trong đời sống vì mình “là người của công chúng”, đại diện cho tinh hoa của cái đẹp.

Đào Ngọc Đệ

 


Ý kiến của bạn