Không thể kinh doanh như thế (!)

30-08-2015 23:53 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Sách dù mang mục đích, ý nghĩa gì cũng là một loại hàng hóa vì có bán, có mua và xét về mặt kinh tế, Nhà xuất bản Giáo dục có nhiều “khách hàng” nhất với hàng triệu học sinh trên cả nước.

Sách dù mang mục đích, ý nghĩa gì cũng là một loại hàng hóa vì có bán, có mua và xét về mặt kinh tế, Nhà xuất bản Giáo dục có nhiều “khách hàng” nhất với hàng triệu học sinh trên cả nước. Không biết vì yêu cầu cải cách của Bộ GD-ĐT hay tính “kinh tế thị trường” mà sách giáo khoa của nxb Giáo dục nhiều năm gần đây luôn cải tiến, bổ sung khiến học sinh lớp trước dùng xong không thể để lại cho lớp sau dùng tiếp như trước đây. Xưa có “Tủ sách dùng chung”, nay dùng một lần phải bỏ bởi sách còn kiêm nhiệm cả chức năng của vở yêu cầu học sinh viết, trả lời câu hỏi trong sách. Nước còn nghèo, dân còn khổ, rõ ràng chuyện dùng SGK một lần là sự lãng phí vô cùng!

Cũng khác xưa là sách tham khảo ngày nay khiến phụ huynh, học sinh hoa mắt. Tốt thôi, nhưng ai quản lý những loại sách này? Trách nhiệm biên tập và trách nhiệm xuất bản đến đâu nếu cơ quan quản lý làm rõ, cộng tất cả các đầu sách của Nxb trong một năm được ấn hành với số biên tập viên của NXB thì không khỏi khiến dư luận băn khoăn là nxb liệu có chuyện “loằng ngoằng” giấy phép xuất bản cho tư nhân làm sách?

Và nếu chuyện “loằng ngoằng” giấy phép là có thật thì chuyện “sách nhảm” xuất hiện là điều không tránh khỏi. Không lẽ quy trình làm sách chặt chẽ từ khâu biên soạn, biên tập cho đến phát hành mà có không ít sách in ra phải thu hồi như những năm gần đây. Không lẽ với quy trình xuất bản chặt chẽ lại có loại sách dạy trẻ em lớp 1 đi qua thảm thủy tinh vỡ, cưa bom để rèn lòng dũng cảm và dạy trẻ em lớp 2 chống lại nỗi sợ bằng cách nhảy lên tấm ván đặt trên một con lăn, cách mặt đất 15cm, hay đội 4 cái bát đi vòng quanh lớp,... đều do tiến sĩ Phan Quốc Việt chủ biên? Rồi sách dạy giới tính cho trẻ em cũng bị phát hiện hình ảnh phản cảm, khi khu vệ sinh nam nữ cùng chung một không gian, với gương mặt ngó nghiêng tò mò và câu hỏi “kỳ lạ”, thiếu tính giáo dục. Rồi cuốn “Hỏi đáp nhanh trí” gắn mác trắc nghiệm IQ, toàn những câu hỏi về chặt đầu, chém giết, người chết... cùng hình ảnh gây sốc, vẫn có thể mua dễ dàng ở nhiều nơi. Rồi cả chuyện Thạch Sanh “cởi truồng”, đầy bịa tạc và phản cảm...

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục Xuất bản có kiểm soát được những loại sách “nhảm” như vậy không khi nhiều năm nay, sách nhảm vẫn tồn tại trên giá sách trong các cửa hàng sách? Sách dành cho trẻ em lại từ nxb Giáo dục đâu có thể làm bừa như vậy? Cuối cùng khi bị dư luận lên án thì chính NXB ra lệnh thu hồi cứ như đó là sách của ai còn NXB vô can! Mà cũng chẳng ai kiểm tra cái sự “thu hồi” này giữa lượng sách phát hành ra và thu về là bao nhiêu. Hay cái lệnh thu hồi chỉ cốt xoa dịu sự phẫn nộ của các bậc phụ huynh. Cứ vô trách nhiệm, cứ sai liên tục và bị phản ứng thì “thu hồi” bất chấp hậu quả của cái sai trôi nổi trong xã hội ra sao, ảnh hưởng đến học sinh như thế nào!

Xuất bản sách tất nhiên phải có lãi nhưng sách cho trẻ em không phải là “mỏ” để một số nhà làm sách, nxb đặt mục đích chính là kiếm tiền.

Lê Quý

 


Ý kiến của bạn