Ngay sau khi đọc loạt bài trên báo SK&ĐS số 108 ngày 7/7/2011, số 111 ngày 12/7/2011 và 112 ngày 14/7/2011 về Vụ án xét xử ở Trung tâm Mắt Bình Thuận và những ý kiến của cơ quan chức năng và dư luận về vụ việc, GS.TS. Nguyễn Trọng Nhân, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc nhân dân, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và hiện là Chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam rất hoan nghênh và cảm ơn báo SK&ĐS về loạt bài viết nhận xét, góp ý cho vụ xử án Trung tâm Mắt Bình Thuận. Sau khi đọc báo và tìm hiểu kỹ vụ việc, GS.TS. Nguyễn Trọng Nhân đã có thư gửi báo SK&ĐS và lãnh đạo tỉnh Bình Thuận. Báo SK&ĐS xin đăng toàn văn bức thư của GS.TS. Nguyễn Trọng Nhân cùng ý kiến của các bác sĩ, dược sĩ và nhiều ý kiến khác về vụ việc này.
Riêng trong một đợt mổ năm 2008, Trung tâm Mắt Bình Thuận phối hợp với BV Mắt TP. Hồ Chí Minh phẫu thuật miễn phí cho hơn 300 trường hợp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: TTO |
Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy,
GS.TS. Nguyễn Trọng Nhân |
Trong thời gian gần đây trên báo Sức khỏe&Đời sống số 108, 111, 112 ra các ngày 7/7/2011, 12/7/2011, 14/7/2011 và nhiều phương tiện thông tin đại chúng có đăng những bài viết về vụ án “tham ô” tại Trung tâm Mắt tỉnh Bình Thuận vừa được TAND thành phố Phan Thiết xét xử và tuyên án, nhưng đã gây nhiều dư luận (nhiều luật sư) bức xúc và không đồng tình ở nhiều nơi về tính minh bạch, trình độ năng lực, đạo đức của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật ở thành phố Phan Thiết. Một trong hai bị cáo là
BS. Đặng Thị Linh (nguyên Giám đốc Trung tâm Mắt Bình Thuận) là hội viên của Hội Nhãn khoa Việt Nam, được lãnh đạo Hội và ngành đánh giá là cán bộ tích cực và có trách nhiệm lại đang bị đe dọa nhiều năm tù.
Chúng tôi đã thận trọng tìm hiểu tình hình thì biết rằng từ sau khi thành lập Trung tâm Mắt Bình Thuận đã phải thực hiện hoạt động phòng chống mù loà cho nhân dân trong hoàn cảnh không có hoặc thiếu kinh phí trầm trọng. Vì thế trong 2 năm 2005 - 2006, do mỗi năm chỉ mổ được hơn 750 ca bệnh nhân bị đục thể thuỷ tinh nên BS. Linh đã rất cố gắng vận động các nhà hảo tâm trong nước tài trợ để đẩy mạnh công tác giải phóng mù loà cho nhân dân, đa số là những người nghèo trong tỉnh. Kết quả là hơn 3 vạn người đã được khám chữa mắt và 2.275 người đã được nhìn sáng lại nhờ sử dụng các kỹ thuật hiện đại do tài trợ mà có nên họ rất biết ơn Đảng và Nhà nước, lãnh đạo Đảng và chính quyền tỉnh. Như vậy BS. Linh và cán bộ, nhân viên Trung tâm Mắt Bình Thuận đã khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, đạt một thành tích nhẽ ra đáng được biểu dương và khen thưởng.
Theo chúng tôi cũng như theo nhận xét của nhiều ý kiến luật sư và dư luận trên báo SK&ĐS thì trong vụ án này không có cơ sở để kết án là tham ô. Vì sau khi nhận tài trợ để mua những trang thiết bị hiện đại cần cho nâng cao chất lượng khám chữa mắt Trung tâm Mắt Bình Thuận đã nộp đủ tiền cho Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM theo quy định, đã trả lại 50 triệu còn lại cho ông Nguyễn Minh Hiếu theo thoả thuận trước đó. Những nhà tài trợ này đã không có thắc mắc gì với BS. Linh và Trung tâm Mắt Bình Thuận. Toà án cũng không quyết định rằng các bị cáo phải bồi hoàn gì. Theo ý kiến của dư luận thì nếu nghiêm khắc cũng chỉ có thể coi những thiếu sót của Trung tâm Mắt Bình Thuận là do không coi trọng hoặc thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý tài chính, chỉ cần nhắc nhở, chấn chỉnh chứ không phải là hành động tham ô, tham nhũng và kết án đến 7 năm tù giam.
Điều đáng tiếc là toà án lại thu hồi món tiền 50 triệu đồng của ông Hiếu làm tang vật của vụ án khiến cho ông Hiếu bất bình và kiên quyết đòi lại vì làm như vậy là vi phạm đến danh dự của ông. Hành động này sẽ ảnh hưởng bất lợi tới mọi cuộc vận động quyên góp các nhà từ thiện trong và ngoài nước giúp đỡ công tác phòng chống mù loà không những ở Bình Thuận mà cả ở các địa phương khác (thường không có hoặc thiếu kinh phí của chính quyền) trong khi nhu cầu mổ mắt cho các bệnh nhân nghèo còn rất lớn.
Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy,
Trong thư này tôi không muốn làm đồng chí mất nhiều thời gian nên không đi vào những chi tiết khác như không có quyết định phê chuẩn khởi tố vụ án của Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp như quy định của Bộ luật, việc 3 cơ quan đã họp bàn và ghi biên bản định tội sẵn trước khi toà án xét xử (các luật sư đã tố cáo là vi phạm nghiêm trọng bộ luật tố tụng hình sự và chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước).
Với tư cách là đảng viên đã có thời kỳ ở vị trí cao trong ngành y tế, tôi không thể im lặng trước cuộc sống và số phận của một đảng viên, một cán bộ, một hội viên bị án oan. Tôi hy vọng đồng chí sẽ chỉ đạo các đảng viên và cán bộ toà án xét xử nghiêm túc, theo đúng tinh thần công lý phải có của chế độ nước ta.
Tôi chân thành cảm ơn đồng chí đã đọc bức thư này và hy vọng với sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, luật pháp sẽ nghiêm minh ở Bình Thuận.
Kính chúc đồng chí mạnh vui.
GS.TS. Nguyễn Trọng Nhân
Anh hùng Lao động, Thầy thuốc nhân dân, nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ VN
(*) Tiêu đề do báo SK&ĐS đặt
Sau khi đọc loạt bài trên báo SK&ĐS về vụ xét xử của Tòa án nhân dân TP. Phan Thiết với Trung tâm Mắt Bình Thuận, là giám đốc một BV sau khi theo dõi quá trình xét xử một đồng nghiệp của chúng tôi ở Trung tâm Mắt Bình Thuận tôi thấy rất buồn, lo lắng vì làm giám đốc chỉ cần sơ ý quên một khâu nào đó trong việc quản lý tài chính hoặc nếu cán bộ cấp dưới không chặt chẽ, chuyên môn hạn chế nên tham mưu không tốt rồi lại chủ quan lúc nào cũng tâm niệm - Mình không lấy tiền bỏ túi cá nhân thì sợ gì - Mà đến lúc được (hay bị) cơ quan chức năng xem xét và quy kết như vậy rồi lâm vào vòng lao lý thì có lẽ có dũng cảm lắm mới dám nhận làm giám đốc. Sẽ rất nguy hiểm khi ranh giới giữa lỗi quản lý và vi phạm pháp luật rất mong manh. Bởi vậy mọi việc phải được xem xét toàn diện trên các phương diện là: động cơ, bối cảnh, hậu quả, cơ sở pháp lý.
Trở lại vụ án, được thành lập từ tháng 4/2007 với cơ sở vật chất khó khăn, thiếu thốn, với nhiệm vụ được giao là giải phóng mù lòa cho nhân dân trong tỉnh, trong khi kinh phí để mổ mắt lại không có và không được cấp. Tuy nhiên, trong 2 năm (2007 - 2008), trung tâm đã có nhiều cố gắng vận động các nhà hảo tâm để mổ, chăm sóc mắt cho người dân với số tiền hơn 2,6 tỉ đồng để mua trang thiết bị hiện đại để khám mắt cho hàng chục nghìn trường hợp, mổ sáng mắt cho gần 3.000 người nghèo. Đó là những kết quả đạt được hết sức to lớn của tập thể Trung tâm Mắt Bình Thuận trong thời gian BS. Linh làm giám đốc.
Kết quả điều tra và bản cáo trạng truy tố cho thấy, ngoài khoản tiền 50 triệu đồng mà Trung tâm Mắt trả lại cho ông Nguyễn Minh Hiếu, bị quy kết tội tham ô. Cáo trạng chỉ đề nghị bị cáo Linh nộp lại đúng 5 triệu đồng mà bị cáo… tạm ứng của đơn vị trước đây. Số tiền lớn nhất trong vụ án là 50 triệu đồng dù không bị thiệt hại, không xem xét trách nhiệm dân sự, không buộc bị cáo phải hoàn trả nhưng vẫn buộc bị cáo Linh phải chịu trách nhiệm hình sự về số tiền này...
Do đó, theo tôi, phiên tòa diễn ra chưa có tính thuyết phục. Là bác sĩ trong ngành, tôi thực sự hiểu và chia sẻ với những khó khăn và áp lực hằng ngày đối với người bác sĩ nói chung và người làm công tác quản lý nói riêng. Tôi đề nghị những người cầm cân nảy mực xét xử vụ án tại Trung tâm Mắt Bình Thuận cần xét xử công bằng và tôi rất đồng cảm với BS. Linh khi chị nói trước tòa “với hơn 35 ngàn trường hợp được khám và mổ mắt trong thời gian chị làm giám đốc, nếu mọi người không xem là công thì cũng đừng xem đó là tội”.
Nghiên cứu sinh TS.DS. Hồ Văn Hiền - giảng viên tại Học viện SIAST Canada: Xin hãy cho tôi một niềm tin!
Tôi là một giảng viên tại Học viện SIAST Canada. Ngoài công việc dạy học tôi còn là một dược sĩ, do đó tôi thường xuyên theo dõi thông tin về y dược qua báo SK&ĐS. Vừa qua theo dõi sự việc và đọc loạt bài viết liên quan tới Trung tâm Mắt Bình Thuận của quý báo, tôi hết sức bức xúc. Tôi không thể hình dung nổi cách hành xử của một số người cầm cân nảy mực tại Bình Thuận. Họ hành xử một cách chủ quan và phiến diện. Đành rằng việc làm của họ chỉ làm tổn hại công sức của biết bao nhân viên công vụ lãnh lương của dân gần 3 năm trời. Mất mát lớn hơn họ làm tan nát bao tấm lòng đã tin tưởng đóng góp công sức, tiền của và cả tấm lòng để đem lại ánh sáng cho hơn 30.000 người. Tôi được biết rằng một nhà tài trợ tên Hiếu trước tòa họ khẳng định họ không bị tổn hại có chăng họ bị làm phiền bởi cơ quan chức năng Bình Thuận. Mặt khác Trung tâm Mắt Bình Thuận không được cấp kinh phí thì làm sao chứng minh được Nhà nước bị tổn hại. Và nếu không chứng minh được thì không thể kết tội BS. Linh được. Có chăng có thể là lỗi trong quản lý. Một bác sĩ không có nghiệp vụ quản trị làm sao không có những sơ suất với một khối lượng công việc tôi cho là khá “khổng lồ” trong vòng hơn 1 năm đi “ăn xin” để có được gần 3 tỉ để chống mù cho hơn 30 ngàn người. Tôi thật “khó lòng” khi phải trả lời cho sinh viên về diễn biến và kết cục của phiên tòa kéo dài 4 ngày vừa qua và cũng chưa biết khi nào đến hồi kết. Bởi tôi không thể hình dung được cách hành xử của một số người thi hành công vụ tại Bình Thuận để dẫn đến kết cục cho một bác sĩ đã có những cống hiến thiết thực mà không phải ai cũng làm được. Thành công của Trung tâm Mắt Bình Thuận của BS. Linh theo tôi yếu tố tâm huyết với công việc, trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng và thu phục được lòng người còn cần thiết hơn cả yếu tố nghiệp vụ. Để đến một ngày BS. Linh phải sống trong cảnh mà như trong lời nói cuối BS. Linh đã bộc bạch. Chẳng lẽ chúng ta bất lực để cho một đồng nghiệp của chúng ta lâm vào hoàn cảnh oái ăm như vậy, chẳng lẽ chúng ta chấp nhận một kết cục thiếu tình và yếu lý như vậy sao. Xin hãy cho tôi một niềm tin!