Hà Nội

Không thể dự báo sớm được động đất, phòng tránh thế nào?

11-02-2023 10:55 | Xã hội
google news

SKĐS - Cho đến nay trên thế giới, ngay cả những nước có hệ thống cảnh báo động đất hiện đại nhất như Nhật Bản cũng không thể dự báo sớm được động đất, chỉ dự báo được chu kỳ của nó.

Những người sống sót kỳ diệu sau 100 giờ bị mắc kẹt do động đất ở Thổ Nhĩ KỳNhững người sống sót kỳ diệu sau 100 giờ bị mắc kẹt do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ

Sau 100 giờ kể từ khi xảy ra trận động đất có độ lớn 7,8 tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, lực lượng cứu nạn tiếp tục tìm thấy những người may mắn sống sót.

Không thể dự báo sớm động đất

TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, hiện chỉ cảnh báo động đất có thể xảy ra ở một vùng nào đó chứ khó dự báo thời gian xảy ra động đất. Ngay như ở Nhật Bản, có những trận động đất xảy ra gây thiệt hại rất lớn, những thời gian xảy ra động đất gần như không thể dự báo sớm được.

"Với công nghệ hiện đại nhất hiện nay, chỉ dự báo được qua sóng động đất chỉ vài giây đến vài chục giây. Với thời gian đó, ở Nhật họ chỉ dùng đủ để dừng hoạt động của tàu điện ngầm, cảnh báo khẩn cấp đến người dân… để chủ động phòng tránh", ông Xuân Anh nói.

Cho đến nay, trên thế giới chưa có nước nào có thể dự báo được chính xác khi nào động đất xảy ra, cũng như làm cách nào để chống lại động đất, nhưng có thể giảm thiểu được những thiệt hại do động đất gây ra. Các nhà khoa học chỉ có thể đưa ra cảnh báo sớm là khu vực này, vùng kia có thể sẽ xảy ra động đất ở độ lớn nào đó, chứ không thể đưa ra thông tin chính xác thời điểm nào xảy động đất.

Chỉ dự báo được động đất trước vài chục giây - Ảnh 2.

Trận động đất mạnh tàn phá Thổ Nhĩ Kỳ.

"Thông tin cảnh báo khu vực này có thể sẽ xảy ra động đất ở độ lớn nào đó đã là rất tốt rồi. Bởi từ thông tin này, chính quyền địa phương và người dân sẽ xây dựng các công trình như thủy điện, nhà dân,... có khả năng chống chịu với độ lớn của động đất từ thông tin cảnh báo

Điều quan trọng đầu tiên là phải bảo đảm tính bền vững của các công trình xây dựng, tiếp đến là vấn đề giáo dục về các biện pháp phòng tránh rủi ro động đất. Phải tuyên truyền đến người dân để họ nắm được những kỹ năng cơ bản trong phòng tránh và giải quyết hậu quả do động đất gây ra.

Tại Việt Nam, PGS.TS Cao Đình Triều, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, lần đầu tiên trong tư liệu ghi chép lịch sử của Việt Nam xuất hiện từ "Động đất" là vào năm 978. Nếu theo tư liệu lịch sử Trung Quốc thì năm 114 tại Việt Nam (Quận Nhật Nam, có lẽ là khu vực từ Nghệ An tới Quảng Nam) đã xuất hiện một động đất mạnh, làm "đất nứt xé ra dài hơn trăm dặm". Nhìn chung các ghi chép trong lịch sử còn thiếu chính xác về địa điểm cũng như mức độ tàn phá và thiệt hại do động đất gây ra.

Năm 1924 trạm địa chấn đầu tiên của Việt Nam được thiết lập tại Phù Liễn (Hải Phòng), đánh dấu bước khởi điểm quan trắc động đất bằng máy ở nước ta. Trạm này chỉ hoạt động được trong một thời gian không dài và mãi cho đến năm 1957 mới được khôi phục lại. Năm 1961, sau khi xây dựng xong trạm địa chấn Sapa thì định hướng nghiên cứu về động đất mới được hình thành và phát triển mạnh mẽ nhất từ sau những năm đầu của thập niên tám mươi của thế kỷ hai mươi cho đến nay.

Phòng chống động đất thế nào?

Theo Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, động đất là hình thái thiên tai phức tạp, có nhiều tính chất phi tuyến nên cần tiếp tục theo dõi và xử lý khi có việc bất thường.

Tại khu vực miền núi phía Bắc, trên đới đứt gãy Sơn La và Sông Mã cũng đã từng xảy ra động đất với cường độ mạnh. Đặc biệt là trận động đất tại Điện Biên năm 1935 lên tới 6,7-6,8 độ. "Trong tương lai, hoàn có có thể tái diễn những trận động đất tương tự như vậy", ông Xuân Anh nhận định.

Do đó, phải có giải pháp căn cơ, lâu dài cần có giải pháp kháng chấn động đất, không chỉ cho các công trình thủy điện, thủy lợi, kẻ cả nhà dân, khu đô thị… Bởi, nhiều công trình hạ tầng, nhà ở có thiết kế chống động đất ở mức thấp.

Chia sẻ về các kỹ năng cơ bản trong phòng tránh rủi ro do động đất, TS. Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh, mọi người cần nhớ nguyên tắc: Trước động đất cần chuẩn bị sẵn sàng, trong động đất cần bình tĩnh, và sau động đất cần phải thận trọng.

Theo đó, trước động đất, cần kiểm tra và sửa chữa nhà an toàn, dự trữ vật dụng thiết yếu như nước uống, thuốc, đèn pin. Lập kế hoạch cho cả gia đình về nơi gặp nhau sau động đất, danh sách số điện thoại quan trọng, người liên lạc của gia đình; học cách bật, tắt gas, điện, nước..

Trong động đất, nếu ở trong nhà, hãy quỳ gối xuống, dùng tay hay bất cứ vật gì có thể che đầu, ẩn nấp dưới cái bàn lớn, chắc chắn. Nếu không có bàn hoặc đồ vật có thể trú bên dưới, ít nhất hãy tránh xa các cửa sổ có kính, tới góc tường và ở nguyên vị trí đó, cúi xuống nhiều nhất có thể để bảo vệ các bộ phận quan trọng của cơ thể.

Nếu động đất xảy ra khi đang ngủ, hãy ở yên trên giường; bảo vệ đầu bằng gối và nằm úp mặt xuống. Nếu kệ trên giường hoặc đèn treo trên trần nhà có thể rơi xuống đầu, hãy chui xuống gầm giường hoặc là di chuyển tới địa điểm an toàn khác như góc phòng và khi đã an toàn thì ra ngoài.

Trong động đất, không sử dụng thang máy, hãy ở yên trong nhà, hoặc sử dụng cầu thang bộ nếu cần thiết. Nếu không may đang trong thang máy thì nằm xuống sàn, bảo vệ đầu bằng tay, đợi cho đến khi thang máy bắt đầu làm việc trở lại, ra khỏi thang máy ở tầng tiếp theo và sử dụng cầu thang bộ.

Nếu đang ở ngoài đường, cần tránh xa các tòa nhà cao tầng, đường dây điện, đường hầm, các cây cầu. Nếu đang lái xe, cần dừng xe bên lề đường, không ra khỏi xe cho đến khi động đất dừng lại, không cố chui qua hoặc vượt qua những cây cầu vì có thể bị sập. Nếu ở gần một quả đồi nghiêng dốc, hãy tránh xa chỗ dốc đứng vì chỗ đó có thể bị lở đất. Nếu ở gần bờ biển, ngồi xuống, bảo vệ đầu bằng tay, khi hết rung lắc chạy thật nhanh tới vùng đất cao hơn và vào sâu trong đất liền.

Sau động đất, cần tránh xa các bức tường bằng gạch vì chúng có thể bị suy yếu và có thể lật đổ trong các đợt dư chấn. Đặc biệt, không bao giờ chạm vào đường dây điện bị rơi hoặc bất kỳ vật thể nào tiếp xúc với chúng và coi chừng đồ nặng rơi khỏi trần, kệ.

Độ lớn của động đất

Độ lớn của động đất M hay còn gọi là độ Richter. Hình dung về độ richter như sau:

Từ 1 – 2: Không nhận biết được.

Từ 2 – 4: Có thể nhận biết nhưng thường không gây thiệt hại.

Từ 4 – 5: Mặt đất rung chuyển, nghe tiếng nổ, thiệt hại không đáng kể.

Từ 5 – 6: Nhà cửa rung chuyển, một số công trình có hiện tượng nứt.

Từ 6 – 7: Nhà cửa bị hư hại nhẹ.

Từ 7 – 8: Động đất mạnh phá hủy hầu hết các công trình xây dựng thông thường, có vết nứt lớn hoặc lún sụt trên mặt đất.

Từ 8 – 9: Nhà cửa đổ nát, nền đất bị lún sâu đến 1m, sụp đổ lớn ở núi kèm theo thay đổi địa hình trên diện rộng.

Trên 9: Rất hiếm khi xảy ra.

Những trận động đất có M > 7 không xảy ra khắp mọi nơi mà thường tập trung ở những vùng nhất định, gọi là đới hoạt động địa chấn mạnh.

Những khu vực trên thế giới dễ xảy ra động đất hủy diệtNhững khu vực trên thế giới dễ xảy ra động đất hủy diệt

SKĐS - Những trận động đất lớn thường xảy ra ở các khu vực ranh giới các mảng lục địa như mảng Âu Á, mảng Ấn Độ. Khi các mảng xô húc với nhau gây ra động đất khủng khiếp.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Phẫn Nộ Clip Người Đàn Ông Đột Nhập Tỉ Mỉ Lựa Đồ Ăn Trộm Ở Quận 6, TP HCM | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn