Không thể có chuyện hoang đường cắt thận qua mổ bắt con được!

TS.BS. Võ Xuân Sơn

TS.BS. Võ Xuân Sơn

07-01-2016 10:25 | Phòng mạch online

SKĐS - Các bác sĩ khẳng định, không thể có chuyện cắt thận qua mổ bắt con được. Đây thực sự là câu chuyện hoang đường và thật nực cười trong con mắt các nhà chuyên môn.

Những ngày gần đây, trên một số báo đăng thông tin một người phụ nữ gặp phải “chuyện động trời” khi chị này được phát hiện thiếu mất một quả thận và chị nghi ngờ bị “cắt trộm” trong lần sinh mổ từ năm 2006 tại một bệnh viện huyện.

phiếu siêu âm kết luận chị Hà bị thiếu thận phải

Chị Hà và các phiếu siêu âm có kết luận thiếu thận phải ở ổ thận. (Ảnh: Báo Lao động)

 

Theo thông tin trên báo chí, người phụ nữ trên là chị Bùi Thị Hà, 38 tuổi, ở xã Yên Mỹ, huyện Ý Yên, Nam Định. Chị Hà cho biết, vợ chồng chị đã có 3 con và hiện chị đang mang thai cháu thứ tư. Trong 3 lần sinh trước, cháu đầu tiên và cháu thứ ba sinh thường, chỉ có cháu thứ hai là sinh mổ do sinh non vào năm 2006 và đó cũng là lần duy nhất chị phải đụng đến dao kéo. Chị Hà cũng cho biết, chị biết tin mình thiếu mất 1 quả thận từ hơn 8 năm trước nhưng đến khi siêu âm con thứ tư vào ngày 6/12/2015, bác sĩ nhắc lại kết luận chị bị thiếu mất một quả thận thì chị mới tá hỏa và nghi ngờ mình bị cắt trộm thận trong lúc mổ đẻ cháu thứ hai?!

Thông tin này ngay khi xuất hiện trên báo chí đã lập tức nhận được những ý kiến phản đối từ cộng đồng bác sĩ.

BS Phan Văn Hoàng, chuyên khoa niệu học (Bệnh viện Bình Dân) khẳng định: Không thể thực hiện cắt thận qua mổ bắt con được và không có lý do gì để bác sĩ cắt thận của bệnh nhân trong trường hợp này. BS Hoàng cũng bày tỏ bức xúc “xin những ngừơi viết đừng câu view thiếu căn cứ khoa học như vậy!”.

hình minh họa của bác sĩ chuyên khoa niệu họcHình vẽ của bác sĩ chuyên khoa niệu học lý giải việc không thể cắt thận qua mổ bắt con.

 

BS Võ Xuân Sơn, Phòng khám quốc tế Exson thì chia sẻ câu chuyện được nghe chính những người đồng nghiệp kể lại: Một cháu bé bị bệnh anencephaly, được nhập viện. Cha của cháu bé hỏi bác sĩ về bệnh tình của con mình. Khi được biết, rằng con mình bị bệnh vô não, cha của đứa bé đã chỉ thẳng vào mặt bác sĩ mà nói rằng: "Chỉ có lũ chúng mày mới vô não, con tao làm sao mà vô não được".

Theo BS. Sơn, trong ngành y vẫn thường xảy ra những câu chuyện trớ trêu như vậy, thể hiện sự thiếu hiểu biết của người dân với các vấn đề của y khoa. Đối với những người bình tĩnh, họ sẽ hỏi sâu về căn bệnh, còn đối với những người nóng nảy, họ sẽ phản ứng theo cái kiểu cha của đứa trẻ trong câu chuyện kể trên đây. Đó là chuyện thường gặp trong nghề.

“Nhưng cái chuyện thiếu một quả thận lùm xùm mấy ngày nay trên báo chí thì lại có vẻ không bình thường”, BS. Sơn nói, “Mới đầu, khi đọc được tin này. Tôi bật phì cười vì sự ngây ngô của ngừoi viết. Nhưng đến hôm nay, khi thấy có báo đăng lên cả câu chuyện điều tra về việc mất một quả thận, thì mới giật mình. Có vẻ như các nhà báo và dư luận tin vào việc các bác sĩ cắt mất quả thận của người phụ nữ kia thật”.

Lý giải về sự hoang đường của câu chuyện “mổ bắt con mất thận” trên, BS. Sơn cho biết: “Mổ bắt con thì chỉ trừ trường hợp con trong những ca thai ngoài tử cung đặc biệt lắm, hoặc tử cung lạc chỗ, hoặc quả thận lạc chỗ cắm vào tử cung, thì mới có thể phạm vào quả thận để cắt nó. Trong trường hợp thứ nhất, tạo hóa không cho phép cái thai ấy biến thành con người để mà mổ bắt con. Ở trường hợp thứ hai, chúa cũng không cho những người đó có con để cho các bác sĩ mổ bắt con. Còn trường hợp thứ ba, thì người bệnh này phải cám ơn các bác sĩ vì chỉ bằng cuộc mổ đẻ, mà lại được gặp một bác sĩ rất giỏi, cắt được quả thận bệnh, mà là bệnh rất nặng.

Ngoài 3 trường hợp trên, nếu mổ bắt con mà có thể qua đó, cắt được quả thận thì các bác sĩ này phải là cực đại tài, có thể sẽ được nhiều giải thưởng y học quốc tế vì đã phát minh ra một đường mổ mới, tương đương với việc cắt amygdale qua ngả hậu môn. Nhưng thôi, đó chỉ là những điều sơ đẳng nhất về chuyên môn, thiết nghĩ không cần bàn sâu”.

Nhân đây, BS. Sơn cũng đại diện cho giới y khoa lưu ý những ngươi cầm bút, câu chuyện này chưa được tư vấn bởi các nhà chuyên môn thuộc chuyên ngành niệu học, cũng chưa có bất cứ một phương pháp cận lâm sàng nào xác định được vùng hố thận mà hiện không có quả thận ấy đã từng bị mổ hay chưa, ngay cái sẹo mổ cũng không nghe nói đến.

BS. Sơn bức xúc: “Người phụ nữ ấy đang sống yên lành với thông tin mình có một thận từ 8 năm nay. Vậy mà sau khi thông tin ấy đến tai các nhà báo, cuộc sống của chị bị xáo trộn.

Nếu thực sự các nhà báo nghi ngờ các bác sĩ ăn cắp quả thận, tại sao không hỏi các chuyên gia về ghép thận, để biết rằng các bác sĩ ở cái bệnh viện huyện như vậy, vào năm 2006, có thể làm được cái việc ấy không? Hoặc giả như có bác sĩ khác, từ nơi khác đến chẳng hạn, thì việc mổ, lấy, bảo quản, vận chuyển... cùng những phương tiện lỉnh kỉnh, liệu có che mắt được bàn dân thiên hạ hay không? Sao các nhà báo không đi hỏi các chuyên gia, xem tỉ lệ chỉ có một thận là bao nhiêu?

Sao lại vội đưa lên báo một câu chuyện chẳng đâu vào đâu như vậy?”

Gửi câu hỏi Phỏng vấn trực tuyến
Lên trên
Minh Trí
Ý kiến của bạn