Không thể chủ quan trước dịch heo tai xanh

12-08-2010 14:08 | Thời sự
google news

Số heo bị nhiễm bệnh heo tai xanh được phát hiện ngày càng tăng, trong khi đó nguồn heo nhập từ các địa phương có dịch đang tràn vào thành phố một cách khó kiểm soát.

Số heo bị nhiễm bệnh heo tai xanh được phát hiện ngày càng tăng, trong khi đó nguồn heo nhập từ các địa phương có dịch đang tràn vào thành phố một cách khó kiểm soát.

Cuối tuần qua, Chi cục Thú y TP.HCM đã xác nhận, có 199/756 con heo của 12 hộ dân P.Thạnh Xuân và P.Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM bị tiêu hủy sau khi Chi cục thú y phát hiện số heo này đã bị nhiễm virut heo tai xanh. Trong khi đó, nguồn heo nhập từ Đồng Nai mỗi ngày vào TP.HCM có đến gần 2.500 con, chiếm hơn 30% nguồn thịt heo từ các tỉnh đưa về thành phố. Vì thế, có nguy cơ dịch heo tai xanh sẽ gia tăng trên đàn heo của thành phố. Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục thú y TP.HCM nhận định, dịch bệnh heo tai xanh là dịch bệnh nguy hiểm lây lan nhanh, vì thế nguy cơ lây lan bệnh heo tai xanh tại TP.HCM là rất lớn. Đồng thời, ông Thảo yêu cầu các hộ chăn nuôi phải có ý thức tự phòng chống dịch bệnh để bảo vệ đàn heo của mình cũng như bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, không lén lút bán heo bệnh ra thị trường. Ông Thảo cũng cho biết, sau khi phát hiện virut PRRS (virut gây bệnh heo tai xanh) có trong huyết thanh của những con heo đang nuôi tại hai phường trên, Chi cục thú y thành phố đã triển khai các biện pháp phong tỏa, khoanh vùng, tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực để ngăn chặn không cho dịch lan rộng, cũng như tiến hành tiêu hủy tất cả số heo nhiễm bệnh và những con heo cùng chuồng.

 Tiết canh là thực phẩm nguy cơ lây bệnh liên cầu khuẩn từ lợn sang người. Ảnh: Trần Minh

Theo báo cáo của Chi cục thú y TP.HCM, Chi cục đã tịch thu và tiêu hủy 2.436 kg thịt heo, 124 con heo sữa không rõ nguồn gốc và xử lý 92 vụ vi phạm trong việc kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Trước tình hình đó, Chi cục thú y TP.HCM đã làm việc với Chi cục thú y các tỉnh, thành phố có nguồn heo cung cấp cho TP.HCM để phối hợp kiểm soát chặt chẽ lượng heo nhập vào thị trường TP.HCM. Tới đây, Chi cục thú y TP.HCM triển khai lực lượng kiểm soát chặt chẽ nguồn heo từ tất cả các tỉnh khi vào thành phố, ông Phan Xuân Thảo cho biết thêm. Tại các tỉnh xung quanh TP.HCM.... đã công bố dịch. Nguy cơ lan rộng dịch bệnh heo tai xanh hiện rất cao.

Trong khi đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm và dịch bệnh trên đàn gia súc (Bộ NN&PTNT), ông Hoàng Văn Năm, Quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, diễn biến dịch heo tai xanh tại các tỉnh Nam và Trung Bộ hết sức phức tạp, tại các tỉnh Sóc Trăng, Tiền Giang, Long An và Đắk Lắk dịch tai xanh đã xảy ra trên diện rộng và đang diễn biến xấu. Nguyên nhân do công tác phát hiện chậm, chính sách hỗ trợ dịch bệnh không nhất quán khiến nhiều hộ chăn nuôi phải tìm cách bán chạy heo bệnh, hơn nữa do tính chất nguy hiểm của dịch, kết hợp với điều kiện thời tiết thuận lợi cho virut tồn tại và phát tán... Cũng tại cuộc họp này, đại diện Cục chăn nuôi cho biết, trước đây, khi dịch xảy ra tại phía Bắc đã có tình trạng con giống, thịt được vận chuyển vào Nam, vì vậy hiện nay dịch đang diễn biến phức tạp tại khu vực phía Nam nên cần tăng cường chỉ đạo không để xảy ra tình trạng con giống và thịt trong khu vực phía Nam lại chạy ngược ra phía Bắc trong thời gian có dịch. Thống kê của Cục Thú y (Bộ NN& PTNN), đến thời điểm này cả nước đã có 238 xã, 34 huyện của 17 tỉnh, thành đã có dịch bệnh heo tai xanh chưa qua 21 ngày với khoảng 50.000 con heo mắc bệnh và bị tiêu hủy, chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam và một số tỉnh miền Trung. Lâm Đồng là tỉnh mới nhất được bổ sung vào bản đồ dịch tễ bệnh tai xanh. Bộ NN&PTNT cũng đã yêu cầu các Chi cục thú y địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên toàn địa bàn, đồng thời rà soát tiêm phòng vaccin cho đàn lợn ít nhất phải đạt 80%, cũng như thiết lập các chốt kiểm dịch tạm thời trên các trục giao thông.

Dịch bệnh tai xanh trên đàn heo không chỉ gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho người chăn nuôi mà còn gây ra những hậu quả về mặt xã hội và có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Bởi heo mắc virut gây bệnh tai xanh sẽ bị suy giảm hệ miễn dịch, dễ mắc thêm các bệnh kế phát như liên cầu khuẩn và từ đó lây sang người qua việc sử dụng các thức ăn từ heo chưa được nấu chín kỹ hoặc còn sống (như tiết canh, nem chua, nem chạo...). Do đó, người dân cần hợp tác với cơ quan chức năng trong việc báo cáo dịch, phát hiện và báo cáo kịp thời các trường hợp bán chạy heo bệnh, không sử dụng các thức ăn và chế phẩm từ heo không có nguồn gốc rõ ràng va chưa được chế biến chín.    

Nguyễn Phạm - Thanh Tâm


Ý kiến của bạn