Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Quỹ Bảo hiểm xã hội và câu chuyện quản lý” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 11/3, giải thích về vấn đề cấp trùng thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) được nêu trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về hoạt động của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam nêu rõ, việc cấp trùng thẻ BHYT tập trung chủ yếu ở nhóm các đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ tiền đóng BHYT...
Theo ông Phạm Lương Sơn, nguyên nhân cấp trùng thẻ BHYT là do có nhiều cơ quan quản lý lập danh sách đối tượng chuyển sang để cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT. Do đó, nếu thông tin không trùng khớp (họ tên, địa chỉ, ngày sinh...) dẫn đến một người có thể được cấp hơn một thẻ ở các nhóm đối tượng khác nhau. Ví dụ, vừa có thẻ thuộc nhóm người có công với cách mạng, vừa ở nhóm thân nhân lực lượng vũ trang, hay cựu chiến binh, người dân tộc thiểu số... Với việc có nhiều đầu mối cùng đề nghị cơ quan BHXH cấp thẻ dẫn đến trùng thẻ là không thể tránh khỏi.
BHXH Việt Nam hiện đang triển khai rà soát toàn bộ dữ liệu, đối tượng tham gia BHYT theo danh sách thống kê hộ gia đình, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung và cấp số định danh cho người tham gia BHYT. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi quy trình cấp, quản lý, sử dụng thẻ BHYT theo hướng người tham gia BHYT chỉ được cấp một số định danh duy nhất. Khi phát hành thẻ BHYT, dữ liệu cấp thẻ được rà soát trên cơ sở dữ liệu chung do BHXH Việt Nam quản lý để bảo đảm một người chỉ được cấp 1 thẻ BHYT.
Không để thất thoát ngân sách nhà nước do cấp trùng thẻ BHYT. Ảnh: TM
Để hạn chế việc cấp trùng thẻ, BHXH Việt Nam đã bổ sung chức năng rà soát thẻ trùng trong “Phần mềm quản lý thu, cấp sổ thẻ BHYT”. Qua đó, tình trạng cấp trùng thẻ BHYT qua các năm đã giảm đáng kể. Cụ thể: Năm 2013, số thẻ BHYT cấp trùng là 230.835 thẻ; số tiền cấp trùng là 133,69 tỷ đồng. Năm 2014, số thẻ BHYT cấp trùng là 160.912 thẻ; số tiền cấp trùng là 82,2 tỷ đồng. Năm 2015, số thẻ BHYT cấp trùng là 116.096 thẻ; số tiền cấp trùng là 54 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, một người cho dù có được cấp nhiều thẻ BHYT nhưng khi đi khám chữa bệnh thì cũng chỉ sử dụng 1 thẻ và số tiền cấp trùng vẫn nằm trong Quỹ BHYT nên không có sự thất thoát ngân sách nhà nước do cấp trùng thẻ.
Cũng tại buổi tọa đàm, trả lời câu hỏi tại buổi tọa đàm về “số liệu do Kiểm toán Nhà nước mới công bố, theo đó, về việc lập dự toán chi phí quản lý của BHXH Việt Nam năm 2015 tăng 75,8%, khoảng 3,193 tỷ đồng so với năm 2014. Bên cạnh đó, tổng số chi trả các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp hàng năm đều vượt tổng số thu”, ông Phạm Lương Sơn khẳng định, đây là thông tin hoàn toàn không chính xác.
Lý giải về điều này, ông Sơn dẫn chứng: Số liệu của Kiểm toán Nhà nước về việc lập dự toán chi phí quản lý của BHXH Việt Nam năm 2015 tăng 75,8%, tức tăng khoảng 3.193 tỷ đồng so với năm 2014. Đây chỉ là: “việc lập dự toán chi phí quản lý của BHXH Việt Nam năm 2015” chứ không phải là “số chi phí quản lý của BHXH Việt Nam”.
Cũng theo Phó Tổng giám đốc Phạm Lương Sơn, dự toán chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN năm 2015 của BHXH Việt Nam được Bộ Tài chính thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 28/1/2015 là 6.560 tỷ đồng, tăng 59% (2.445 tỷ đồng) so với dự toán năm 2014.
“Chi phí quản lý bộ máy của BHXH Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2015 tăng 2.445 tỷ đồng so với dự toán năm 2014 để thực hiện một số nhiệm vụ cần thiết, cấp bách mà năm 2014 trở về trước chưa được bố trí kinh phí hoặc bố trí ở mức thấp, do tuân thủ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội” - ông Phạm Lương Sơn cho biết.