Hà Nội

Không thanh toán BHYT nếu vượt trần Quỹ Khám chữa bệnh

29-10-2018 13:27 | Xã hội
google news

SKĐS - Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực từ ngày 1/12/2018 quy định nhiều điểm mới như bổ sung một số đối tượng tham gia; tham gia theo hộ gia đình không bắt buộc tham gia cùng thời điểm; bỏ quy định giao quỹ KCB BHYT cho cơ sở KCB (kể cả trạm y tế xã), thay vào đó là giao tổng mức thanh toán đối với các cơ sở y tế; sửa đổi, bổ sung một số quy định cụ thể về thanh toán chi phí KCB… Xung quanh những điểm mới này, TS. Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã trao đổi với báo chí để làm rõ hơn...

Xác định rất rõ 5 nhóm đối tượng tham gia BHYT

Theo TS. Phạm Lương Sơn, Nghị định 105 của Chính phủ ban hành hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật BHYT đã được thực hiện gần 5 năm. Trong quá trình triển khai, ngoài kết quả đạt được rất đáng khích lệ thì cũng bộc lộ một số bất cập, kể cả vấn đề phát triển đối tượng lẫn đảm bảo quyền lợi và quản lý quỹ BHYT.

Vì vậy, được sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế phối hợp với BHXH Việt Nam đã tiến hành dự thảo trình Chính phủ ban hành nghị định mới nhằm khắc phục những bất cập cơ bản, hướng tới việc đảm bảo tốt hơn những quyền lợi của người dân khi tham gia BHYT và phát triển chính sách BHYT Việt Nam.

“Chúng tôi kỳ vọng, Nghị định 146 khi có hiệu lực thi hành sẽ khắc phục một cách cơ bản những vấn đề mà dư luận xã hội cũng như người dân quan tâm liên quan đến thực thi chính sách BHYT”, TS. Phạm Lương Sơn nói.

Theo TS. Phạm Lương Sơn, trước hết, để phát triển bền vững BHYT, chúng ta phải xác định rất rõ độ bao phủ một cách bền vững cho các nhóm đối tượng. Nghị định lần này xác định rất rõ 5 nhóm đối tượng tham gia BHYT và những chính sách về xã hội, các hộ nghèo, quan tâm tất cả những đối tượng như người già, thân nhân của người lao động, thân nhân của cán bộ quân đội, công an... Đề xuất mức đóng, mức hỗ trợ từ ngân sách, từ các nguồn tài chính khác để đảm bảo dù người dân ở nhóm đối tượng nào cũng tham gia BHYT một cách bền vững. Đấy là nền móng, cốt lõi cho việc chúng ta đảm bảo được Quỹ BHYT.

Người bệnh khi đi KCB trái tuyến nhưng trong trường hợp vào cấp cứu được coi là KCB đúng tuyến

Vấn đề tiếp theo, đảm bảo quyền lợi cơ bản cho người dân, cải cách hành chính, làm sao để có những quy định rất cụ thể cho thủ tục KCB theo hướng thuận lợi nhất, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, tại Nghị định này có nội dung quy định rất rõ: Người bệnh khi đi KCB trái tuyến, nhưng trong trường hợp vào cấp cứu hoặc trong khi điều trị nội trú mà mắc những bệnh phát sinh, những bệnh vượt quá khả năng điều trị của cơ sở KCB ban đầu thì cũng sẽ được coi như KCB đúng tuyến.

Cũng theo TS. Phạm Lương Sơn, để hướng tới quản lý Quỹ BHYT hiệu quả, việc ứng dụng CNTT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và mũi nhọn. Chúng tôi đã có những hướng đi, quy định và thống nhất giữa Bộ Y tế và BHXH VN để chia sẻ, quản lý và sử dụng dữ liệu giữa hai ngành.

Không còn giao Quỹ KCB BHYT theo số thẻ đăng ký ban đầu như hiện nay

Một yếu tố quan trọng nữa để quản lý quỹ tốt hơn, TS. Phạm Lương Sơn cho biết, theo quy định tại Nghị định này, về mặt cơ bản, các cơ sở KCB sẽ không được giao Quỹ KCB theo số thẻ đăng ký ban đầu như trước kia nữa mà xác định một tổng mức thanh toán cho kỳ quyết toán và cho năm tài chính đó, căn cứ vào chi phí đã được cơ quan BHXH thẩm định từ trước và hệ số điều chỉnh do Bộ Y tế ban hành hàng năm sau khi thống nhất với Bộ Tài chính.

Ở đây cũng tính đến yếu tố phát sinh tăng và giảm. Tôi xin nhấn mạnh lại là không chỉ có tăng, mà còn có giảm. Đấy là có thể sử dụng thuốc mới, vật tư y tế mới hay thay đổi mô hình bệnh tật cũng như thay đổi về số lượt KCB; cũng để ý đến vấn đề mang tính đột biến... làm thay đổi chi phí. Thông qua đó có thể đảm bảo cho các cơ sở KCB yên tâm và sẽ giảm được các thủ tục hành chính, nhất là khi những cơ sở KCB tiếp nhận đăng ký quỹ ban đầu… Chắc chắn một số cơ sở KCB khi nhận quỹ đã mất cân đối ngay thì bây giờ sẽ khắc phục được tình trạng này.

“Nghị định 146 đã xác định rất rõ tổng mức thanh toán, nếu các cơ sở y tế vượt mức trần thì sẽ không được thanh toán. Đồng nghĩa với việc sẽ không còn khái niệm vượt trần, vượt quỹ nữa”, TS. Phạm Lương Sơn nói.

Thực hiện nghị định mới sẽ tăng cường tính tự chủ của các nhà quản lý bệnh viện, giám đốc bệnh viện, chủ cơ sở KCB, làm sao để hướng tới mục tiêu cung cấp dịch vụ y tế tốt nhất cho người bệnh nhưng đồng thời cũng tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Quỹ BHYT.


Thái Bình (lược ghi)
Ý kiến của bạn