Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện quy định đóng BHXH bắt buộc với lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn nhiều khó khăn. Tới giữa tháng 12/2017, cả nước có trên 400.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhưng chỉ có hơn 6.200 người tham gia BHXH…
Theo ông Nguyễn Trí Đại - Trưởng ban Thu của BHXH Việt Nam, việc thực hiện chính sách BHXH đối với người đi làm việc ở nước ngoài đã thực hiện từ năm 2007, tức là thời điểm Luật BHXH năm 2006 có hiệu lực. Tuy nhiên, theo báo cáo của BHXH địa phương, việc thực hiện thu, cấp sổ BHXH đối với người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định của Luật BHXH năm 2014 và Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP còn hạn chế. Đến giữa tháng 12/2017, cả nước có khoảng trên 400.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhưng chỉ có khoảng hơn 6.200 người tham gia BHXH. Việc tham gia BHXH như trên thông qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chiếm trên 90%, còn lại cá nhận tự đóng trực tiếp với cơ quan BHXH.
Tham gia BHXH để yên tâm khi về già.
“Số người đang tham gia này tập trung là người trước khi đi làm việc ở nước ngoài đã có quá trình đóng BHXH bắt buộc. Còn trường hợp trước khi đi làm việc ở nước ngoài chưa tham gia BHXH thì gần như là chưa có người nào đăng ký tham gia BHXH bắt buộc”, ông Nguyễn Trí Đại thông tin.
Trước câu hỏi về việc thực tế này cho thấy việc triển khai quy định đóng BHXH bắt buộc với lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài từ 1/1/2018 sẽ gặp nhiều khó khăn? Ông Nguyễn Trí Đại cho hay, theo quy định của Luật BHXH năm 2014, Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ tham gia BHXH bắt buộc từ 1/1/2018. Người lao động có thể lựa chọn đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH tại nơi cư trú trước khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Điều này cho thấy việc tổ chức thu đối với lao động đi làm việc ở nước ngoài rất khó khăn, hạn chế, cơ quan BHXH rất khó thực hiện. Cụ thể, khi cơ quan BHXH đến doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đề nghị thu tiền đóng của người lao động để đóng BHXH, rất có thể doanh nghiệp sẽ cho rằng pháp luật quy định người đi làm việc ở nước ngoài có thể đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH nơi cư trú của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài nên họ không thực hiện.
Trong trường hợp cơ quan BHXH triển khai đến trực tiếp người tham gia BHXH thì đa số người lao động đã đi làm việc ở nước ngoài. Như vậy, cơ quan BHXH rất khó có thể liên hệ và yêu cầu người lao động tham gia BHXH.
Từ những thực tế trên, để đáp ứng yêu cầu quản lý trong giai đoạn hiện nay, ông Đại thông tin, ngành BHXH đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển nhanh đối tượng tham gia BHXH và đảm bảo quyền lợi của người lao động. Đơn cử như việc đa dạng các hình thức giao dịch (nhận, trả kết quả thủ tục hành chính) hồ sơ: Điện tử, trực tiếp tại bộ phận một cửa hoặc tại đơn vị; thông qua dịch vụ công do cơ quan BHXH trả phí. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tối giản các chỉ tiêu, nội dung (trường thông tin) kê khai tham gia, hướng dẫn chi tiết từng nội dung cần kê khai để người tham gia, đơn vị sử dụng lao động dễ dàng kê khai; đa dạng các hình thức đóng tiền BHXH như trực tiếp tại cơ quan BHXH, hệ thống các ngân hàng thương mại, Kho bạc Nhà nước các cấp.
BHXH Việt Nam cũng đã đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến, đường truyền; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, hỗ trợ nghiệp vụ, cấp mã số BHXH để đảm bảo công tác quản lý tiến tới cấp thẻ BHXH điện tử và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia theo đúng quy định của pháp luật.