Thời gian gần đây, nhiều bạn đọc phản ánh họ bị mắc phải bẫy lừa tiền của một số hình thức lừa đảo tinh vi và mong chia sẻ để mọi người phòng tránh và để cơ quan chức năng xử lý. Các đối tượng lừa đảo núp bóng dưới mọi hình thức như báo tin trúng thưởng, thẻ cào điện thoại rởm hoặc một số kiểu lừa trực tiếp rất biến hóa, chủ yếu đánh vào lòng tham mọi người, nhiều người mua phải còn dính thêm phiền phức khi trót mua đồ do phạm tội mà có...
Thợ điện rởm bán cáp điện “thừa”
Sáng 2/8, anh Trần Văn Cảnh (thôn An Hội, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) được một thanh niên đi xe máy mặc đồ công nhân ngành điện đến gạ bán 2 cuộn dây cáp điện, loại dài 100m/cuộn với giá 2 triệu đồng. Người thanh niên giới thiệu là công nhân đi lắp điện ở các công trình nên còn thừa dây bán rẻ và... khuyến mãi thêm một ổ khóa trị giá trên 200 ngàn đồng. Anh này còn cam kết đây là dây đồng nguyên chất, tiết diện lớn dùng được cho các thiết bị điện có công suất lớn, nếu bán ra thị trường giá từ 1,5 - 1,6 triệu đồng/cuộn.
Khi người thanh niên này đi khỏi, anh Cảnh mới tá hỏa vì thực ra giá trị cáp điện này chỉ khoảng 300- 400 ngàn đồng/cuộn. Qua vụ việc này, mọi người nên cảnh giác với các đối tượng lừa đảo kiểu này, nhất là không nên ham của rẻ để rồi bị mắc lừa như anh Cảnh.
Thẻ cào điện thoại rởm
Vừa qua, một số người dân ở TP. Tuy Hòa cho biết họ đã mua phải thẻ cào điện thoại giả của Viettel mệnh giá 100.000 đồng bán tại các tiệm tạp hóa. Đại diện Viettel tại Phú Yên cho biết, đã báo cáo với tập đoàn về tình trạng này. Theo Viettel, đặc điểm của loại thẻ cào này thường có cùng dãy số serial (phổ biến là hai dãy số 53835805546, 53835832354), có mệnh giá 100.000 đồng.
Bên cạnh đó, thẻ cào giả cũng có một số điểm có thể phân biệt với thẻ thật như: mặt thẻ không có lớp bảo vệ chống thấm nước và hình chữ chìm: Viettel - 100.000 đồng; dải chữ hologram không đổi màu khi nghiêng qua các hướng, các dòng chữ in trên thẻ cào không đồng đều, bị mất nét; mã vạch in rất đậm...
Trước đó, Vinaphone cũng phát hiện một số thẻ giả vào cuối tháng 7/2014 tại TP. Đà Nẵng. Nhà cung cấp cho biết, số thẻ này bị thất thoát trong quá trình tiêu hủy một số lô thẻ cào không đủ điều kiện phát hành, một số đối tượng đã lợi dụng mang đi bán, trong đó có nhiều thẻ không có giá trị sử dụng.
Lời khuyên dành cho người sử dụng là chỉ nên mua thẻ cào tại những cửa hàng, đại lý; khi mua cần kiểm tra thẻ cào còn đầy đủ lớp tráng bạc che phủ dãy mã số nạp tiền, không mua những thẻ bị trầy xước lớp tráng bạc hoặc có dấu hiệu bị cắt dán. Sau khi mua thẻ, khách hàng nên thực hiện nạp tiền ngay tại điểm bán để đảm bảo chắc chắn tiền đã được nạp vào tài khoản.
Bỗng dưng được... “tri ân”
Gần đây, nhiều người dân Hà Nội bị lừa trúng thưởng xe Liberty và 50 triệu đồng. Thủ đoạn của chúng không mới nhưng lại đội lốt những hình thức tinh vi hơn. Các đối tượng lập trang web, nhắn tin tới các tài khoản mạng xã hội như Twoo, Beetalk, Viber, Zalo... hoặc gửi thư điện tử đến các địa chỉ email, các thuê bao di động. Nội dung hầu hết đều xoay quanh việc thông báo chủ tài khoản, chủ thuê bao biết đã “trúng thưởng” các hiện vật như xe máy, ô tô hoặc tiền mặt của các chương trình quảng cáo, khuyến mãi dành riêng cho thành viên.
Để nhận được giải thưởng thì chủ các tài khoản, thuê bao phải thực hiện theo hướng dẫn như điền vào mẫu gửi kèm theo đường link đến website trên, mục đích làm khách hàng hoàn toàn tin tưởng và không còn biết hỏi ai ngoài liên hệ trên chính trang web này.
Rồi một số đối tượng tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng của chương trình ảo này là phải mua thẻ cào của nhà mạng, phải đóng tiền phí hồ sơ nhận giải, phí chuyển khoản, phí vận chuyển, thuế giá trị giải thưởng, thuê nhà báo và quảng cáo cho nhân viên trước khi nhận giải thưởng. Rất nhiều người đã tin và làm theo hướng dẫn của nhóm đối tượng này, nộp tiền xong là chúng “lặn” luôn. Chỉ tính riêng các tháng đầu năm 2014, Công an TP. Hà Nội đã nhận được 5 đơn trình báo của bị hại.
Chị V.A (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng nhận được tin nhắn trên mạng Twoo.com thông báo chị này trúng giải nhất sự kiện “Tri ân khách hàng - Quý III” bao gồm 1 xe máy Liberty 125 và 50 triệu đồng tiền mặt. Chị V.A cũng làm theo hướng dẫn của nhóm người giả mạo này và chuyển cho chúng gần 60 triệu đồng. Sau khi nộp tiền nhưng không nhận được giải thưởng, chị V.A mới “tá hỏa” đi trình báo.
Trước thực trạng loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên, cơ quan điều tra cảnh báo người dân cần nâng cao cảnh giác, không tin và làm theo những tin nhắn rác trên các phương tiện điện thoại, các tài khoản mạng xã hội. Đồng thời, nếu thấy có những biểu hiện nghi vấn, người dân cần lập tức kiểm tra (về nguồn gốc mặt hàng, về hãng sản xuất, về nhà cung cấp) hoặc thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý kịp thời, tránh những hệ lụy.
Hoàng An