Vượt qua 150 họa sĩ đồ họa và hội họa hoàn toàn khỏe mạnh từ hàng chục quốc gia thế giới, Mariusz Kedzierski, sinh viên khuyết tật (thiếu hai bàn tay) Đại học Kỹ thuật Katowice (Ba Lan) đã đoạt giải Nhì Cuộc thi Best Global Artist Awards 2013 tổ chức tại Viên, Thủ đô nước Áo. Best Global Artist Award là sân đo tài quốc tế dành cho những ngôi sao đồ họa và hội họa mới nổi.
“Qua kênh không chính thức, tôi được biết, mình thua một điểm họa sĩ người Scotland, giành giải nhất. Hy vọng thành tích của tôi sẽ cải thiện trong cuộc thi tiếp theo. Cho dù đối với tôi, chỉ riêng tác phẩm lọt vào vòng chung khảo cuộc tranh tài thú vị đã là phần thưởng vô giá” - chàng trai trẻ Ba Lan chân thành chia sẻ với phóng viên kênh truyền hình TVN24 sau lễ trao giải.
Mariusz Kedzierski vẽ tranh trên hè phố.
Sinh năm 1993 ở Swidnica (Ba Lan), Mariusz Kedzierski không may bị khuyết tật bẩm sinh biến dạng cụt ngủn cả hai cánh tay. Tay phải chỉ có một ngón. Tay trái ngắn cũn, không ngón. Cả hai cánh tay đều bị bệnh teo cơ. Từ tuổi ấu thơ Mariusz đã có thể cả ngày quên ăn với trò chơi vẽ tranh bằng phấn màu trên mọi chất liệu. Không có hai bàn tay bình thường như các bạn cùng lứa, bé Mariusz dùng ngón duy nhất tay phải và cùi cánh tay trái kẹp viên phấn màu (hoặc bút chì) với sự hỗ trợ của cằm (hoặc miệng), để thực hiện thao tác vẽ. Cậu bắt đầu say “sáng tác” từ năm 3 tuổi. Tác phẩm đầu tay của họa sĩ nhí nghiệp dư là con đại bàng sao chép từ hình quốc huy Ba Lan. Mariusz vẽ bằng phấn màu trên chiếc khăn lau bàn, nhưng bà ngoại quả quyết, nó giống con chim... bồ câu.
Bà chê, bé Mariusz hơi buồn, song không nản. Cậu tiếp tục sáng tạo, liên tục đến thời điểm các ca phẫu thuật chỉnh hình hai tay khiến Mariusz không thể xoay sở với bút vẽ, cho dù có sự trợ giúp mẫn cán của... cằm và khóe miệng. Tuy nhiên, ngay khi hồi phục sức khỏe (năm 2008), cậu lại cặm cụi vẽ. Với cơ thể dị thường như vậy, ngay khi biết suy nghĩ, Mariusz đã cho rằng, cuộc sống quá ngắn và quá tuyệt vời, để cho phép khuyết tật kìm hãm bản thân thực hiện những ước mơ cháy bỏng. “Khuyết tật không có nghĩa không thể hiện thực hóa đam mê hội họa của mình. Sẽ uổng phí cuộc đời, nếu buông xuôi, chán nản, thất vọng, hoặc than thân - trách phận” - chàng trai lập luận. Nhiều người khỏe mạnh nhìn đồng loại khuyết tật như cá thể bị tàn phế hoặc không hoàn thiện. Đó là cách tư duy lệch lạc, vô tình bần cùng hóa người thiếu may mắn.
Tâm niệm như vậy, sau tốt nghiệp trung học, Mariusz xác định nghiêm túc, vẽ tranh sẽ là sự nghiệp phấn đấu suốt đời. Đề cập đến đôi tay tật nguyền, năm 20 tuổi, chàng trai chân thành tâm sự: “Với bản thân, sinh ra tôi đã như vậy, thế nên tật nguyền không phải là rào cản, càng không thể là lý do gây rắc rối. Tất nhiên nó thu hút sự chú ý của người xa lạ, bởi tôi không giống ai. Song tôi không ngượng ngùng, tôi hiểu lý do tôi trở thành đối tượng hiếu kỳ của họ”.
Không mặc cảm thấp hèn, Mariusz hồn nhiên thể hiện năng lực hội họa trước công chúng. Anh thường xuyên xuất hiện tại Phòng tranh 44 thị trấn Swidnica và điềm đạm xếp đặt đồ nghề của mình - giá vẽ, giấy vẽ bristol và bút chì, để thực hiện những tác phẩm tranh chân dung. “Bút chì là công cụ làm việc quan trọng nhất của tôi, nhưng chỉ riêng bút chì không thể tạo nên tác phẩm. Cần phải có cảm xúc và một số kỹ năng riêng biệt” - nghệ sĩ trẻ tế nhị né tránh câu hỏi quá chi tiết của nhà báo.
Chân dung, một tác phẩm của họa sĩ không tay.
Mariusz hầu như chỉ vẽ tranh chân dung, những tác phẩm mô tả hết sức trung thành hiện thực. “Tôi chủ tâm lựa chọn photorealism (vẽ tranh chân thật như ảnh chụp), trường phái hội họa có cội nguồn từ phong cách sáng tác siêu thực xuất hiện trong những năm 60, thế kỷ XX. Tuy nhiên thời ấy các nghệ sĩ chủ yếu vẽ các tĩnh vật - xe buýt, những đồ vật sử dụng hàng ngày, góc phố, ngôi nhà... Riêng tôi, tôi có thể dành trọn cuộc đời vẽ gương mặt đồng loại. Không phải tất cả chân dung Mariusz đã hoàn thành đều đẹp và chuẩn mực, song tất cả đều bộc lộ cảm xúc giàu tính nhân văn và độc đáo, ưa nhìn. Đó là nhận xét chung của giới phê bình hội họa qua những tác phẩm Mariusz trưng bày tại Phòng tranh 44.
Nhiều người sành hội họa thích tranh chân dung nhân vật của Mariusz. Tháng qua tôi đã bán được 10 trong số 13 tranh của anh trưng bày tại đây. Một trong số đó đã “bay” sang Paris - bà Irena Debosz, chủ Phòng tranh 44 khoe.
Công việc vẽ tranh thương mại của Mariusz bắt đầu từ chân dung các sao làng showbiz. “Ý tưởng xuất hiện, khi lướt qua mạng internet tôi tình cờ bắt gặp trang giới thiệu một số tranh vẽ chân dung người nổi tiếng của tác giả từ nhiều quốc gia thế giới. Tôi thầm nghĩ, tại sao mình không thử sức? Nhân vật đầu tiên tôi vẽ chân dung là Marylin Monroe và tung lên trang đã kể. Nhiều cư dân mạng bình luận ưu ái. Chính lời khen của họ đã khuyến khích tôi tiếp tục vẽ nhiều chân dung mới” - nghệ sĩ trẻ dốc bầu tâm sự.
Năng khiếu hội họa của Mariusz đã được kiểm chứng nghiêm túc. Chàng trai trúng tuyển Học viện Mỹ thuật Katowice ngay kỳ thi đầu tiên, sau ngày tốt nghiệp trung học. “Tuy vì lý do tài chính tôi phải bỏ trường sau năm đầu tiên, nhưng chắc chắn sẽ có ngày tôi sẽ quay lại ngôi trường trong mơ của mình. Hiện tôi kiếm tiền dựa vào công việc thực hiện các đơn đặt hàng vẽ chân dung và hy vọng tích góp số tiền đủ để tự nuôi sống mình và hoàn thành chương trình đại học. Đó là mục tiêu quan trọng nhất của tôi” Mariusz diễn giải đời tư.
Họa sĩ trẻ tham gia nhiều cuộc thi khác nhau ở châu Âu. Ước tính, từ 2008, Mariusz đã dành trên 15 nghìn giờ, để sáng tác trên 700 tác phẩm. Anh không hề mặc cảm vì hình thức tự nhiên không bình thường của bản thân. Quan trọng hơn, từ năm 2012 Mariusz Kedzierski đã có thu nhập ổn định từ bán tranh đủ nuôi sống bản thân và dành một phần đáng kể cho tài khoản tiết kiệm.
Du khách nhiều quốc gia trong các chuyến thăm quan danh lam thắng cảnh chân Âu, không ít người từng chứng kiến Mariusz miệt mài vẽ chân dung trên các đường phố London, Paris, Venice và nhiều vùng đất nổi tiếng khác. Họa sĩ trẻ khẳng định, anh chủ tâm xuất hiện trước công chúng, để tạo cảm hứng cho mọi người và thông qua lao động nghệ thuật, chứng tỏ với mọi người thực tế: “Người khuyết tật hoàn toàn có thể lao động sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật như tất cả đồng loại. Mọi giới hạn đều mang ý nghĩa tương đối và do bản thân mỗi người đặt ra”.
Sự nghiệp sáng tạo của Mariusz Kedzierski đã được giới chuyên môn đánh giá cao trên trường quốc tế, nhiều giải thưởng, trong đó có giải Nhì tại Cuộc thi Best Global Artist Awards 2013 là thí dụ điển hình. Ngoài chân dung đồng loại, gần đây nghệ sĩ trẻ tật nguyền không tay giàu nghị lực sống còn thử nghiệm vẽ tranh tĩnh vật.