Vất vả hơn vì theo thói quen cũ
Theo phong tục cũ ở làng, Y Liễu ở làng Kon Keng (xã Đăk Tơ Lung, Kon Rẫy, Kon Tum) lấy chồng từ năm 15 tuổi. Ngay sau đó sinh con. Chồng của Liễu là A Sơn cũng đang ở tuổi vị thành niên. Vậy nên, kiếm được gì ăn cái đó. Nhiều người dân ở Kon Keng bảo rằng: Có đám cưới là mừng, là ăn uống linh đình rồi sau đó mọi chuyện tính sau. Có đám cưới là chuyện vui của buôn làng rồi. Thế nên trẻ con cứ thích là lấy nhau thôi. Cũng bởi cưới theo sở thích, không tuân thủ Luật Hôn nhân và Gia đình nên hầu hết các cặp đôi tảo hôn đều lâm cảnh khó khăn.
Cũng tại làng Kon Keng, cách đây không lâu, Y Xuyên là A Quýt lấy nhau khi mới bước vào tuổi 16 vì đã trót có thai. Y Xuyên cho biết: Chưa được đi học nhiều đã có con nên chăm sóc rất khổ. Lại phải đi làm rẫy nữa mới đủ tiền trang trải cuộc sống. Trước cứ nghĩ, thói quen xưa nay rồi, ở đây con gái cứ bước sang tuổi 15 là lấy chồng thôi. Cũng bởi vậy nên cái đói, cái nghèo như vòng kim cô vây quấn lấy những hộ gia đình nơi đây. Giờ nghèo khó, con cái nheo nhóc nên vợ chồng hay cãi nhau lắm.
Nhiều trường hợp khác ở thôn 11 (xã Đắk Tờ Re, Kon Rẫy, Kon Tum) như: Nguyễn Thị Giang, Cao Thị Hà… cũng cưới nhau khi đang là học sinh cấp 2.
Đại diện UBND xã Đắk Tờ Re cho biết: Thói quen ăn sâu vào nếp nghĩ của những người dân nơi đây rồi nên muốn tuyên truyền phải từ từ và làm có bài bản. Kết hợp giữa nhiều cơ quan, đoàn thể để cùng xóa bỏ thói quen này. Thực tế đã cho thấy đủ độ tuổi trưởng thành theo quy định thì suy nghĩ cũng khác hơn, khả năng lo toan cuộc sống và kỹ năng chăm sóc con cái cũng tốt hơn.
Tảo hôn và đẻ nhiều cuộc sống sẽ vất vả hơn
Cần thay đổi nhận thức
Để hạn chế tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, nâng cao chất lượng đời sống ở Kon Rẫy, đại phương này đã tích cực triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa”. Các cán bộ y tế, phụ nữ cùng người có uy tín, già làng, trưởng thôn…đến từng nhà để tuyên truyền về tác hại của tảo hôn, kết hôn cận huyết thông.
Nhiều trường hợp chuẩn bị tảo hôn đã dừng lại chờ đủ tuổi. Điển hình như A Phất, Y Tiên ở thôn 5 (xã Đắk Kôi, huyện Kon Rẫy) đến giữa năm 2020, Y Tiên mới bước sang tuổi 17. Khi được nhân viên y tế, dân số phân tích đã hiểu rõ Luật Hôn nhân và Gia đình nên quyết định chờ năm 2021, đủ tuổi quy định mới kết hôn. Từng lâm cảnh bấn loạn vì tảo hôn, Y Hinh (xã Đắk Kôi) chia sẻ: Mình đẻ con khi chưa trưởng thành nên khi con cái sốt hay bị bệnh lặt vặt cũng không biết xử lý thế nào, ảnh hưởng đến sức khỏe đứa trẻ. Vậy nên giờ người quen ai tảo hôn là mình khuyên họ không nên.
Theo đánh giá của nhiều xã ở Kon Rẫy: Các thôn, làng đã có chuyển biến tích cực. Các bậc cha mẹ và các trường học, ngay từ đầu cấp 2 cũng cần tăng cường tuyên truyền, quản lý để các em không bỏ học sớm và yêu đương, quan hệ tình dục ở tuổi thiếu niên. Vì chính việc không đến trường và yêu đường sớm cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn. Cùng với việc tuyên truyền trực tiếp, đánh trực diện vào nhận thức của các hộ dân thì còn cung cấp tài liệu, sản phẩm tuyên truyền bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc về hôn nhân, gia đình và ngăn ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Năm 2020, huyện Kon Rẫy cũng đã thành lập Tổ chỉ đạo, các câu lạc bộ tuyên truyền xóa nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Các câu lạc bộ giúp nhau xáo nghèo cũng được hình thành. Bên cạnh đó tăng cường thu hút mạnh mẽ các nhân viên y tế thôn bản tham gia các chương trình.