Ảnh hưởng tới hàng triệu triệu gia đình
Tại TP.HCM, theo giá bìa sách tại một nhà sách trên đường Nguyễn Tri Phương, có cuốn sách tăng 12%, có cuốn tăng đến 38%. Một cuốn sách giáo khoa (SGK) tăng vài nghìn đồng nhìn có vẻ không hề lớn, nhưng nhân lên cho hàng chục đầu sách trong bộ sách mà 1 học sinh cần phải có để đến trường trong 1 năm, rồi 12 năm học thì là không hề nhỏ. Ấy vậy mà NXB đã in xong và nộp lưu chiểu từ tháng 1/2019 và xuất hiện ở nhà sách.
Hiện nay, chúng ta đang có khoảng 20 triệu học sinh các cấp, nền giáo dục cần khoảng 100 triệu bản SGK và khoảng 100 triệu bản sách bổ trợ với tổng doanh số gần cả ngàn tỷ đồng/năm.
Với nhiều người, vài ngàn hay vài trăm ngàn đồng không là gì, nhưng đối với con em của những phụ huynh làm nông, việc tăng giá SGK là cả một vấn đề. Do đó, việc tăng giá SGK trực tiếp ảnh hưởng tới hàng triệu triệu gia đình Việt Nam.
Đây là vấn đề nhạy cảm, dễ gây ảnh hưởng dư luận nên càng cần phải thận trọng và phải công khai, minh bạch. Thế nhưng, cách NXB Giáo dục Việt Nam đã làm - đó là âm thầm, tự biên tự diễn và đến khi được báo chí phanh phui thì lấy lý do này khác để chống chế. Đại diện NXB cho rằng, có ai trợ giá đâu? Toàn lấy lãi khoản khác bù vào phần lỗ do in SGK, riêng trong năm 2018 in SKG lỗ khoảng 40 tỷ đồng.
Có ý kiến cho rằng, SGK 8 năm qua chưa tăng giá, trong khi xăng, dầu, điện, nước... đều đã tăng vọt. Vì vậy, SGK là một lĩnh vực đặc thù, có trợ giá của Nhà nước, trợ giá bằng tiền thuế của nhân dân đóng góp, phục vụ mục đích giáo dục là quốc sách, nhiều năm qua nó ổn định giá là điều vô cùng dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu phải tăng giá vì chi phí nguyên liệu hay in ấn... tăng, nó càng phải được công khai và minh bạch để người dân hiểu, họ đang được tôn trọng chứ không nên đặt người dân vào “thế đã rồi”.
Ông Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: “NXB Giáo dục Việt Nam phải giải trình rõ lý do tăng giá sách. Việc tăng giá sách ảnh hưởng hàng triệu học sinh, gia đình. Dù tăng mỗi quyển có vài nghìn cũng không thể xem nhẹ, tăng đến 30% không phải là chuyện nhỏ. Đối với một mặt hàng đặc biệt như SGK, cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm quản lý, không thể để NXB tăng giá một cách tùy tiện. Khi mọi thứ đang bình ổn, việc đột ngột tăng giá SGK là không được”, ông Nhĩ nói.
Năm học 2019 - 2020 sẽ không tăng giá SGK.
Không tăng giá SGK năm học 2019 - 2020
Trước đó, vào cuối tháng 1/2019, NXB Giáo dục Việt Nam gửi thông báo đến các đơn vị thành viên về việc tăng giá bán SGK từ năm học 2019-2020. Dựa vào bảng báo giá cho thấy, tất cả gồm 158 cuốn SGK các môn từ lớp 1 đến lớp 12 đều dự kiến tăng giá. Trong đó, 22 cuốn tăng dưới 10% so với giá bìa hiện hành, còn lại tăng từ 10-40% nhưng Bộ GD&ĐT cho biết chưa đồng ý.
Đại diện NXB Giáo dục Việt Nam lý giải từ năm 2011 đến nay, giá SGK được kìm giữ ổn định và ở mức thấp (so với chi phí, giá thành xuất bản và so với giá bán các sách khác), trong khi đó, các khoản chi phí xuất bản SGK đều biến động tăng cao. Để bù đắp việc giá bán SGK dưới giá thành, NXB Giáo dục Việt Nam đã tiết giảm hàng loạt chi phí (như chi phí vận chuyển, kho bãi...) nhưng do các yếu tố giá cả đầu vào tăng nên chưa đủ bù đắp.
Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, để đảm bảo ổn định, giá SGK phục vụ cho năm học này vẫn được giữ nguyên như những năm học trước. Theo đó, bảng giá SGK từ lớp 1 đến lớp 12 sẽ được tổ chức niêm yết công khai tại các cửa hàng sách của NXB Giáo dục Việt Nam, các công ty sách - thiết bị trường học trong cả nước và trên webiste của NXB Giáo dục Việt Nam tại địa chỉ www.nxbgd.vn.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Độ, nếu NXB Giáo dục Việt Nam thấy cần thiết phải tăng giá SGK thì cứ theo quy định chung, với tinh thần là không để cho doanh nghiệp phải thiệt thòi, đồng thời phải đảm bảo yêu cầu cung cấp đủ SGK cho người học, tuy nhiên, giá cả thì phải theo thị trường. Thông báo của NXB Giáo dục Việt Nam mới là dự kiến. Còn Bộ GD&ĐT chưa đồng ý thì NXB Giáo dục Việt Nam chưa được phép áp dụng giá mới mà vẫn phải giữ giá hiện hành.
Quan điểm của Bộ Tài chính là doanh nghiệp, tức NXB Giáo dục Việt Nam, được phép tự điều chỉnh giá, tự cân đối, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng phía Bộ GD&ĐT thì Ban Cán sự Đảng bộ đang cân nhắc lại. Dự kiến cuối tuần này, Ban Cán sự Đảng bộ sẽ họp, trong cuộc họp đó sẽ quyết định cho phép NXB Giáo dục Việt Nam điều chỉnh giá SGK từ thời điểm nào. Kể cả thấy rằng cần thiết phải tăng thì cần phải trả lời thỏa đáng các câu hỏi mà dư luận rất quan tâm là tại sao tăng, vấn đề là phải có lý do xác đáng cho việc tăng này.