Mô hình không sử dụng kháng sinh sau mổ tim, chỉ dùng kháng sinh dự phòng trước phẫu thuật đã và đang được áp dụng tại Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E Trung ương và Đơn vị Tim mạch - Viện Tim mạch Quốc gia đem lại kết quả rất tốt và lợi ích cho người bệnh. Theo PGS. TS. Lê Ngọc Thành - Giám đốc Trung tâm Tim mạch BV E Trung ương và TS. BS. Dương Đức Hùng - Trưởng Đơn vị Tim mạch, Viện Tim mạch Quốc gia, sử dụng kháng sinh dự phòng trong mổ tim đã trở thành thường quy, tỷ lệ nhiễm khuẩn chỉ 1% (dưới mức nhiễm khuẩn cho phép). Bệnh nhân được chỉ định là những trường hợp mắc các bệnh lý tim mạch không có nhiễm khuẩn kèm theo. Mỗi bệnh nhân chỉ phải dùng 3g kháng sinh dự phòng trước và trong khi phẫu thuật để bảo vệ chống lại các vi khuẩn có thể sản sinh tại vùng giải phẫu. Theo các bác sĩ, với tình trạng lạm dụng kháng sinh hiện nay, bệnh nhẹ cũng dùng kháng sinh chưa nói đến phẫu thuật. Do đó phần lớn bệnh nhân bị kháng thuốc. Những bệnh nhân điều trị bằng phương pháp này sẽ rút ngắn thời gian điều trị, giảm nguy cơ kháng kháng sinh do dùng thuốc kéo dài cũng như giảm chi phí điều trị. Áp dụng mô hình không sử dụng kháng sinh sau phẫu thuật tim buộc các bác sĩ phải xây dựng lại quy trình chống nhiễm khuẩn như: có hệ thống lọc nước đảm bảo, vệ sinh khoa phòng, quần áo, giày dép và không khí trong buồng bệnh đạt chuẩn, nhất là tuân thủ quy tắc rửa tay vô khuẩn trước khi tiếp xúc với người bệnh. Tuy nhiên các bác sĩ cũng cảnh báo, sử dụng kháng sinh dự phòng cần phải theo dõi diễn biến lâm sàng của người bệnh, nếu có biểu hiện nhiễm khuẩn cần chuyển ngay sang sử dụng kháng sinh điều trị.
Linh San
Về nguyên tắc, nhiễm khuẩn sau mổ tim phải là thấp nhất (vì tim là tạng đặc biệt). Nhiễm khuẩn sau mổ tim sẽ dẫn đến tỷ lệ tử vong cao nhất so với các loại nhiễm khuẩn khác. 25% bệnh nhân sau mổ tim nhiễm khuẩn tử vong trong 24 giờ đầu, 50% tử vong trong 48 giờ, 75% tử vong trong tuần đầu và 90% tử vong trong tháng đầu tiên được mổ tim. |