Tại phiên chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng hà cho biết, về vấn đề rác thải nhựa, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết đây là vấn đề lớn không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, con người.
Dẫn chứng việc trên bàn họp hôm nay không có đồ nhựa dùng một lần, Bộ trưởng TN&MT khẳng định, Chính phủ và Quốc hội luôn cam kết giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Bản thân Việt Nam đã có luật quản lý tài nguyên môi trường biển và tham gia những hiệp định quốc tế về vấn đề này.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, công cụ quan trọng để đối phó với vấn đề rác thải nhựa là chính sách thuế, phí áp dụng với các loại nhựa một lần.
Bên cạnh đó, sẽ có cơ chế khuyến khích vật liệu thân thiện môi trường. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội.
Nếu người dân không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, sẽ vừa giảm rác thải, vừa tiết kiệm, đóng góp quan trọng cho thành công chung của chiến lược đối phó vấn đề rác thải nhựa, Bộ trưởng nói.
Giảm thiểu rác thải nhựa bằng cách không nên sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Ảnh minh hoạ.
Với ngành y tế, hiện nay, tại nhiều cơ sở đã tổ chức các hoạt động giảm thiểu chất thải nhựa tại cơ sở, tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi hành vi, thói quen sửa dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Trong sáng 16/8, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến Triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế tại đầu cầu Trung ương và 63 đầu cầu tại Hội trường giao ban trực tuyến của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, tổ chức ký cam kết giữa Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Sở Y tế với các bệnh viện, đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa y tế.
Song song với việc tổ chức Hội nghị trực tuyến, trong tháng 8/2019, Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí xây dựng các phóng sự, tài liệu, tạp chí về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế để phát động, triển khai sâu rộng hoạt động giảm thiểu chất thải nhựa trong các cơ sở y tế trong toàn ngành.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có thư ngỏ kêu gọi toàn xã hội chung tay hành động chống rác thải nhựa vào ngày 25/4/2019. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 29/7/2019 về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành y tế.
Tại Chỉ thị, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc nilon khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn của đơn vị… thay thế bằng các vận dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng. Theo đó Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn giảm thiểu chất thải nhựa trong y tế.
Tổng lượng chất thải sinh hoạt phát sinh 116.058 tấn/năm, lượng chất thải sinh hoạt được xử lý là 114.219 tấn/năm (chiếm 98,4%).
Theo báo cáo của một số cơ sở y tế được Cục Quản lý môi trường lấy ý kiến (như: Bệnh viện K, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ) thì tỷ lệ nhựa trong chất thải y tế (không bao gồm chất thải sinh hoạt) tại các bệnh viện này dao động trong khoảng 10 – 45%; tỷ lệ nhựa trong chất thải sinh hoạt tại cơ sở y tế trong khoảng 12-17%.