Đã đến lúc phải đưa “bóng cười” vào danh mục cấm và phải có biện pháp quản lý chặt chẽ nguồn cung. Mới đây nhất, Bộ Y tế đã nhất trí với đề nghị của UBND TP. Hà Nội về việc không được sử dụng khí N2O với mục đích vui chơi, giải trí vì khí này làm thay đổi trạng thái tâm thần kinh...
Khí N2O chỉ được cấp phép để mua bán, sản xuất với mục đích sản xuất công nghiệp
UBND TP. Hà Nội vừa có công văn khuyến cáo tác hại của khí N2O và tăng cường quản lý sản xuất kinh doanh, lưu hành khí N2O. Liên quan đến thông tin này, Bộ Y tế cho biết, khí N2O thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương quy định tại số thứ tự 120 Phụ lục số 02 Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp ban hành kèm theo Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất. “Như vậy, khí N2O chỉ được cấp phép để mua bán, sản xuất với mục đích sản xuất công nghiệp không được cấp phép để mua bán, sản xuất với mục đích sử dụng cho người” - Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết.
Cũng theo Bộ Y tế, căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 64 Luật hóa chất, Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cầu tổ chức của Bộ Y tế; Nghị định số 91/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 47/2017/TT-BYT về Danh mục hóa chất cấm sử dụng và hạn chế phạm vi sử dụng trong chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ Y tế nêu rõ, trong Danh mục hóa chất ban hành kèm theo Thông tư số 47/2017/TT-BYT này không có khí N2O. Cũng tại công văn này, Bộ Y tế cho biết, hiện tại Bộ Y tế chưa tiếp nhận hồ sơ thuốc, trang thiết bị y tế có thành phần khí N2O. Trước những tác hại do việc người dân tự ý sử dụng khí N2O như một chất kích thích có thể dẫn đến tử vong, Bộ Y tế nhất trí với đề nghị của UBND TP. Hà Nội về việc không được sử dụng khí N2O với mục đích vui chơi, giải trí vì khí này làm thay đổi trạng thái tâm thần kinh. Bộ Y tế cũng đề nghị UBND TP. Hà Nội tiếp tục chỉ đạo công tác truyền thông về tác hại của khí này đối với sức khỏe con người.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội ban hành Văn bản số 1650/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan sử dụng, kinh doanh “bóng cười”, “shisha”, “cỏ Mỹ”,... Đặc biệt, UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường học tuyên truyền đến học sinh và phụ huynh học sinh tác hại của việc sử dụng “bóng cười” và các chất gây nghiện “núp bóng” các vỏ bọc, hình thức như: tem giấy, bùa lưỡi, trà sữa,... và nghiêm cấm học sinh sử dụng các sản phẩm này; phối hợp với công an cơ sở không để tình trạng hàng quán bán vỉa hè khu vực cổng trường...
Lạm dụng bóng cười đã gây ra những hệ lụy khôn lường cho sức khỏe
Theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, lâu nay, cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý cơ sở kinh doanh mặt hàng “bóng cười” với 2 lỗi là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và không có giấy phép kinh doanh hàng hóa hạn chế. Có thời điểm, nhiều quán cà phê, quán bar ngang nhiên trữ hàng chục bình khí N20 để phục vụ khách tại chỗ. Nhưng hiện tại, khi bị kiểm tra, xử lý gắt, chủ cơ sở thường giấu trong kho hoặc để các bình N20 ở nơi khác, khi khách có nhu cầu sẽ đưa hàng đến. Theo lực lượng chức năng này, việc phát hiện vi phạm (nếu có) đối với cơ sở đã khó, trong khi lại không có chế tài đối với người sử dụng. Nhiều trường hợp lực lượng chức năng kiểm tra, khách vẫn ngang nhiên thổi, hút bóng cười, trông hết sức phản cảm.
Đã có nhiều bạn trẻ bị ngộ độc khí N2O do lạm dụng hít bóng cười để vui chơi, dẫn đến nhiều nguy hại cho sức khỏe.
Liên quan đến việc sử dụng khí N2O cho vui chơi giải trí của một bộ phận giới trẻ, ThS.BS. Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đây là một chất mà gần đây các bạn trẻ có xu hướng dùng nhiều. Trung tâm Chống độc cũng đã từng tiếp nhận nhiều bạn trẻ đến điều trị trong tình trạng điển hình của ngộ độc khí N2O do lạm dụng bóng cười, dẫn tới tổn thương thần kinh. Theo các chuyên gia, bóng cười thực chất là những trái bóng được bơm khí N2O. Sau khi hít khí này, cơ thể có cảm giác tê tê, phấn khích, cười ngả nghiêng. Khi vào cơ thể, nó gây ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh và tim mạch. Chỉ riêng cười quá mức, liên tục cũng đã có thể gây ngạt do thiếu ôxy. Nếu trên cơ địa có bệnh đường hô hấp thì rất nguy hiểm, có thể bị ngạt, suy hô hấp. Nguy cơ tử vong do biến chứng về tim mạch, rối loạn nhịp tim cũng là tác hại của loại khí này.
Nhiều người tưởng chừng khí này vô hại và cười càng nhiều càng có lợi cho sức khỏe, song việc lạm dụng bóng cười đã gây ra những hệ lụy khôn lường, đặc biệt là hệ thần kinh và tim mạch. Khí cười là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin. “Với tính chất nguy hiểm của khí N2O (gây tổn thương thần kinh, gây liệt, rối loạn cảm giác, đồng thời có thể gây thiếu máu, ức chế tủy xương và một loạt tác động khác lên cơ thể, thậm chí khả năng sinh sản cũng bị giảm), chúng tôi khuyến cáo các bạn trẻ không sử dụng các khí này. Lạm dụng khí cười thì sẽ phụ thuộc và nghiện, khi thiếu khí cười dễ bị trầm cảm. Do đó, không nên giải trí bằng bóng cười” - BS. Nguyên nhấn mạnh.