Không phân loại vùng theo cấp độ dịch, việc học song song 'on-off' liệu có còn phù hợp?

22-03-2022 10:41 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong khi TP. Hà Nội đã mở cửa trở lại các hoạt động để thích ứng an toàn, linh hoạt, đảm bảo kiểm soát tình hình dịch bệnh cùng với việc không phân loại vùng theo cấp độ dịch thì việc học song song kết hợp trực tuyến và trực tiếp liệu có còn phù hợp?

Học sinh bán trú ăn lớp nào, ngủ riêng lớp đóHọc sinh bán trú ăn lớp nào, ngủ riêng lớp đó

SKĐS - Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn cụ thể việc tổ chức bán trú cho học sinh khi tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp.

Theo công văn của Sở GD&ĐT Hà Nội cho phép các trường học, cơ sở giáo dục chủ động xây dựng phương án tổ chức dạy và học trực tiếp tại trường cho các khối từ lớp 7 đến lớp 12. Thay vì cho học sinh học trực tuyến hay trực tiếp căn cứ theo cấp độ dịch như trước đây thì nay Sở GD&ĐT Hà Nội giao phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã là đầu mối tổng hợp, tham mưu với UBND cấp huyện trong việc xem xét, phê duyệt phương án dạy học trực tiếp của các nhà trường.

Như vậy, việc học sinh đi học trực tiếp hay ở nhà học trực tuyến không còn căn cứ theo cấp độ dịch trong thời điểm này liệu có còn cần thiết?

Chia sẻ điều này, Hiệu trưởng một trường THCS thuộc quận Cầu Giấy cho biết, trước đây, việc tới trường học trực tiếp của học sinh gặp khó khăn do số lượng giáo viên và học sinh là F0 trong trường tăng cao. Nhưng hiện giờ con số này đã giảm hẳn, số giáo viên là F0 hầu như đã khỏi, do đó nhà trường hoàn toàn bố trí đủ giáo viên dạy học trực tiếp cho các em. Học sinh đến trường học trực tiếp đầy đủ là cần thiết trong lúc này. Việc triển khai dạy song song trực tuyến - trực tiếp thời điểm này dường như không còn phù hợp và cần thiết nữa vì hiệu quả không cao, thầy trò đều mệt mỏi.

Thêm nữa, việc này cũng khiến cho phụ huynh và học sinh có tâm lý ngại đến trường vì phải đi lại... Tất cả những điều đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy học cũng như tiến độ hoàn thành chương trình của nhà trường, chưa kể với khối 9, việc đến trường học trực tiếp là vô cùng cần thiết khi kỳ thi chuyển cấp đang đến gần.

Không phân loại vùng theo cấp độ dịch, việc học song song on-off liệu có còn phù hợp? - Ảnh 2.

Một giờ học trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại Trường THCS0 Ngọc Lâm (quận Long Biên).

Việc chỉ thực hiện hình thức dạy và học trực tiếp cũng được nhiều trường THCS trên địa bàn TP. Hà Nội triển khai từ hôm qua, 21/3. Tại trường THCS Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, cô Bùi Thị Ngọc Lan - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đã có thông báo gửi đến học sinh về việc sẽ học trực tiếp đối với khối 7 đến khối 9; không dạy song song "on- off" như thời gian trước nữa. Trong trường hợp học sinh không thể đến trường thì đơn xin nghỉ học cần nêu rõ lý do vì sao nghỉ và được giải quyết là nghỉ học có phép. Với những học sinh không thể đến trường học trực tiếp, giáo viên sẽ hướng dẫn các em chép bài, tự học, tự tìm hiểu và tự hoàn thành nội dung bài học.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho biết, Phòng GD&ĐT quận Hà Đông đã yêu cầu các trường rà soát học sinh, giáo viên là F0, F1 để làm căn cứ đề xuất việc cho học sinh lớp 7 đến lớp 9 đi học. Trên cơ sở đề xuất của các trường, Phòng GD&ĐT báo cáo UBND quận phê duyệt. Kết quả là ngày đầu tiên tổ chức dạy học dựa trên đề xuất của chính các trường đã cho thấy kết quả rất khả quan, hơn 90% học sinh đi học trở lại, vượt xa con số chỉ hơn 40 - 50% so với thời điểm đầu tháng 3.

Là một trong số rất nhiều phụ huynh mong muốn con được đến trường học trực tiếp, chị Phạm Hường có con học lớp 9, Trường THCS Mỗ Lao (quận Hà Đông) chia sẻ: "Lớp con tôi, số ca mắc COVID-19 khỏi bệnh rất đông; cả nhà tôi là F0 cũng đã khỏi bệnh, do đó, tôi mong muốn nhà trường chỉ áp dụng hình thức học trực tiếp để các con học tập được ổn định và việc tiếp thu kiến thức không bị hạn chế khi thời gian thi chuyển cấp của các con đang cận kề".

Bên cạnh việc học sinh nhiều cấp học đã trở lại trường học trực tiếp không dựa theo cấp độ dịch, cùng với việc TP. Hà Nội đã mở cửa trở lại các hoạt động để thích ứng an toàn, linh hoạt, đảm bảo kiểm soát tình hình dịch bệnh, vậy khi nào thì cấp mầm non cũng như học sinh tiểu học và lớp 6 mới được đến trường trở lại, đó là thắc mắc của nhiều phụ huynh có con ở lứa tuổi này khi các con đã phải ở nhà gần 1 năm để phòng dịch.

Về vấn đề này, dưới góc độ chuyên môn, BS. Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội truyền Nhiễm TP.HCM cho rằng, Hà Nội hoàn toàn có thể để trẻ lứa tuổi này đến lớp. Theo BS. Khanh, trẻ vẫn mắc COVID-19 kể cả khi ở nhà, do đó, không thể đổ thừa việc cho trẻ đi học làm tăng nguy cơ, số ca nhiễm SARS-CoV-2.

BS. Khanh cho biết khi dương tính SARS-CoV-2, trẻ trải qua triệu chứng nhẹ. Thông thường, trẻ có thể sốt cao nhưng tự hết trong vòng 48 tiếng, không nguy hiểm đến tính mạng. Trong khi đó, trẻ ở nhà học online lâu ngày dẫn đến những hệ lụy mà mọi người đều thấy rõ như thiệt thòi về mặt cảm xúc, bệnh tật về tai, mắt. "Nhà trường nên chia lớp học thành nhóm nhỏ, nếu xuất hiện ca mắc, việc xử lý gói gọn trong nhóm đó", BS. Khanh đề xuất.

Xem thêm video:

Sinh vên mắc Covid-19 tăng, trường đại học khẩn trương ứng phó | SKĐS



ĐV
Ý kiến của bạn