- Hay con cho cháu đi khám rồi nhờ bác sĩ tiêm cho nhanh khỏi, chứ để ở nhà thế này, mình biết thế nào?
Chị Thanh nghe lời mẹ chồng, đưa con đi khám ở phòng mạch tư, bác sĩ cho biết, cháu Phúc bị viêm phế quản và kê đơn thuốc kháng sinh về uống. Chị Thanh thấy bác sĩ kê thuốc uống tỏ vẻ không yên tâm nên khẩn khoản đề nghị:
- Bác sĩ cứ kê thuốc kháng sinh loại tiêm rồi tiêm cho cháu.
- Sao chị lại thích dùng thuốc tiêm?
- Dạ, em nghĩ là thuốc tiêm trực tiếp vào máu sẽ nhanh hơn ạ.
Thấy quan niệm của chị Thanh chưa đúng nên bác sĩ nán lại, lựa lời giải thích cho chị rõ:
- Uống thuốc là một trong những cách điều trị cơ bản lâu đời của cả y học cổ truyền và y học hiện đại. Bằng cách này thuốc được hấp thu qua đường tiêu hoá từ từ, tương đối phù hợp với sinh lý và đặc biệt hiếm khi gây phản ứng tức thì đe doạ đến tính mạng người dùng. Và, trong hầu hết các trường hợp đau yếu thông thường thuốc uống hoàn toàn đảm bảo hiệu quả chữa bệnh. Còn thuốc tiêm (có thể tiêm dưới da, tiêm bắp hay tiêm tĩnh mạch) là một tiến bộ của y học. Thuốc tiêm có ưu điểm là được hấp thu nhanh, trực tiếp vào máu do đó thường cho tác dụng nhanh, mạnh và đầy đủ hơn. Nhưng thuốc tiêm lại có nhiều nhược điểm như hay gây sốc phản vệ, vì vậy, tỷ lệ rủi ro cao hơn nhiều so với đường uống. Hơn nữa, nếu không vô trùng tốt dụng cụ tiêm truyền còn làm lây truyền bệnh qua đường máu. Khi tiêm người bệnh sẽ đau đớn hơn và thuốc tiêm bao giờ cũng đắt hơn thuốc uống... Người ta chỉ dùng thuốc tiêm trong các trường hợp cấp cứu hoặc với các ca bệnh không thể dùng thuốc uống được... và việc tiêm thuốc này phải được tiến hành ở các cơ sở y tế có điều kiện về trình độ và trang thiết bị, chứ không thể mang thuốc về nhà tự tiêm được. Vậy bây giờ chị còn thích lựa chọn thuốc tiêm cho con nữa không?
Nghe bác sĩ giải thích, chị Thanh đã hiểu ra vấn đề nên chị chỉ còn biết im lặng tuân theo chỉ định của bác sĩ.