Những miếng dán phổ biến bao gồm miếng dán nicotine trong điều trị cai nghiện thuốc lá, miếng dán có tác dụng giảm đau, miếng dán dùng trong liệu pháp thay thế hormone, miếng dán chứa nitroglycerin dùng trị những cơn đau thắt ngực... Miếng dán bao gồm một mặt bảo vệ, một lớp chứa thuốc và một mặt có tác dụng làm dính nhờ đó miếng dán có thể dính chặt vào da.
Việc đưa thuốc vào cơ thể bằng miếng dán còn giúp giảm được sự tương tác thuốc, giúp nồng độ thuốc vào cơ thể được ổn định, không quá liều hoặc thiếu liều. Tác dụng phụ của thuốc dán bao gồm đỏ da, kích ứng da ở vùng được dán, tuy nhiên các tác dụng phụ này sẽ biến mất khi miếng dán được tháo ra.
Khi sử dụng miếng dán cần lưu ý những điểm sau:
- Miếng dán cũ cần phải được lấy ra trước khi dùng miếng dán mới, vùng da được dán thuốc phải sạch sẽ và khô ráo. Không dán thuốc vào những vùng da bị kích ứng hay bị tổn thương, trầy xước. Những vùng da thường được dán là ở ngực hoặc phần trên cơ thể. Miếng dán phải còn nguyên miếng, không được cắt đôi ra để dán nhiều lần vì nếu bị cắt sẽ làm lượng thuốc đi vào cơ thể thay đổi.
- Việc tháo bỏ miếng dán cũng nên thận trọng. Khi miếng dán được gỡ khỏi da thì vẫn còn một lượng thuốc nhỏ trong đó, nếu trẻ em vô tình lấy chơi có thể sẽ bị ngộ độc thuốc. Sau khi tháo miếng dán, cần gấp đôi lại (dán 2 mặt có chất dính vào nhau) rồi bỏ ở một nơi an toàn, không để trẻ em và thú vật nuôi trong nhà có thể tiếp cận; cũng không nên bỏ vào bồn cầu.
Theo Dược sĩ Nguyễn Bá Huy Cường (Người Lao động)