Không nhất thiết chúng ta phải nâng chuẩn toàn bộ giáo viên mầm non

15-11-2018 15:35 | Thời sự

SKĐS - Sáng 15/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Đây là dự án Luật nhận được nhiều sự quan tâm, góp ý của các đại biểu Quốc hội; trong đó có nhiều ý kiến tán thành với những chính sách mới của dự án Luật.

Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng)

Nhiều đại biểu cho rằng, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, ngành Giáo dục đã có những chuyển biến tích cực. Chuyển biến rõ nét nhất là trong quản lý giáo dục các cấp. Theo đó, công tác quản lý đã rõ nét hơn, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. Cũng từ Nghị quyết 29, các địa phương đã ban hành nhiều chương trình hành động và chính sách tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh đến trường.

Đa số đại biểu Quốc hội cho rằng nhìn tổng thể cho thấy, những chính sách được đề xuất trong dự án Luật rất là tốt, phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt là hai chính sách mới đó là: Thứ nhất là nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non từ trung cấp lên cao đẳng sư phạm; Thứ hai là chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập.

Tuy nhiên, về trình độ chuẩn giáo viên mầm non, điểm a khoản 1 Điều 72 dự thảo quy định nâng chuẩn từ Trung cấp sư phạm lên Cao đẳng sư phạm đối với giáo viên mầm non. Theo đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) cho rằng: Việc nâng chuẩn giáo viên là mong muốn để đảm bảo chất lượng giáo dục, tuy nhiên cần tính đến khả năng và sự phù hợp của quy định. Hiện nay tại nhiều địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng hải đảo, tình trạng thiếu giáo viên có trình độ đạt chuẩn còn rất phổ biến. Thêm vào đó xã hội chúng ta cũng đang rất lo ngại về việc chạy theo bằng cấp mà chưa chú trọng đến năng lực và chất lượng nghề.

Hơn nữa, đối với giáo dục mầm non, đối tượng là trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi và được chia làm  hai giai đoạn. Giai đoạn nhà trẻ, lớp trẻ là từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi và giai đoạn mẫu giáo là 3 tuổi đến 6 tuổi. Như vậy, giáo dục mầm non nhận trẻ có khoảng cách rất rộng, từ khi trẻ chưa biết nói, chưa biết đi, chưa thể tự thực hiện những sinh hoạt đơn giản đến khi trẻ lớn, biết hát, biết múa, phát triển các giác quan và các chức năng tâm sinh lý. Ở từng giai đoạn đòi hỏi rất khác nhau giữa nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục. Điều này cũng đòi hỏi rất khác nhau về kỹ năng và trình độ của giáo viên. Không nhất thiết chúng ta phải nâng chuẩn toàn bộ giáo viên mầm non có trình độ cao đẳng mà nên tổ chức bồi dưỡng các chuyên đề phù hợp với việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục cho trẻ, cho các giáo viên đang phụ trách từng lứa tuổi tương ứng. Điều này cũng làm giảm áp lực cho ngành giáo dục cùng một thời gian ngắn phải nâng chuẩn cho giáo viên tiểu học, đào tạo giáo viên đáp ứng với chương trình và sách giáo khoa mới theo tinh thần Nghị quyết 88.


Trần Lâm
Ý kiến của bạn