“Không ngờ tôi theo đuổi ngành dược liệu lâu thế!”

09-03-2009 07:11 | Thời sự

Đón chúng tôi là một người đàn ông gày gò, nhỏ nhắn với cái lưng hơi còng, mái tóc bạc trắng được cắt ngắn, gọn gàng.

Đón chúng tôi là một người đàn ông gày gò, nhỏ nhắn với cái lưng hơi còng, mái tóc bạc trắng được cắt ngắn, gọn gàng. Căn nhà nhỏ ngăn nắp, sạch sẽ và đầy ắp sách. Ông vui vẻ nói "Các cô muốn biết gì nào?". Không ngờ câu chuyện của 2 thế hệ lại có thể rôm rả đến thế. Ông giáo gần 90 tuổi hóm hỉnh kể…

Gần nửa thế kỷ đứng trên bục giảng

Đó là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Vũ Ngọc Lộ, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Dược liệu Trường đại học Dược Hà Nội. “47 năm công tác, 37 năm giảng dạy. Không ngờ tôi lại theo đuổi nghề dược liệu lâu thế!” Giáo sư Lộ cứ nhắc đi nhắc lại câu ấy trong suốt buổi trò chuyện. Thật đáng nể với thâm niên công tác và giảng dạy của ông, bởi thời gian công tác của ông gần gấp đôi so với một người lao động bình thường.

 Giáo sư Vũ Ngọc Lộ.

Sinh năm 1922, Vũ Ngọc Lộ là con trai của một gia đình giàu có ở Hà Nội. Ông lấy vợ khá sớm, khi mới 22 tuổi. "Ngành y dược là một ngành nhân đạo, có thể chữa bệnh cứu người", trong thâm tâm chàng trai 24 tuổi lúc nào cũng văng vẳng lời dặn dò của người chú - Giáo sư Trịnh Văn Tuất. Và thế là sau khi cưới vợ được vài năm, năm 1946, Vũ Ngọc Lộ đã thi vào Trường đại học Dược. Ít lâu sau, đất nước xảy ra chiến tranh. Ông xin vào quân đội và vừa học vừa công tác luôn. Thời gian này, ông vừa học vừa đi dạy (chủ yếu là các dược tá, hộ lý...), ở trường học được chữ nào lại đi dạy chữ đó. Chẳng ai có thể ngờ rằng chàng trai Hà thành, con nhà giàu lại có thể dấn thân đi theo kháng chiến!

Mới đó mà gần nửa thế kỷ đã trôi qua với biết bao biến động.

Câu chuyện học và dạy học cứ tưởng sẽ có lúc chuyển hướng bởi thời thế thay đổi. Vậy mà không, người đàn ông nhỏ bé ấy đã theo đuổi sự nghiệp trồng người đến gần 40 năm. Trong suốt thời gian ấy, ông học hỏi và phấn đấu không ngừng. Từ đó, nhiều tập giáo trình và từ điển về cây thuốc đã ra đời. 37 năm giảng dạy, ông không nhớ được mình đã đi qua bao miền đất, qua bao nhiêu thế hệ học trò để truyền đạt những kiến thức "bé nhỏ" của mình cho các em học sinh.

"Vừa đóng, gánh, vừa gọi đò"

"Ấy là những từ người ta thường nói về những ai phải tự làm tất cả mọi việc, từ việc nhỏ đến việc lớn. Thời chúng tôi dạy và học cũng vậy. Tự lực là chính". Giáo sư Lộ tiếp chuyện. "Bấy giờ, học tập bao giờ cũng gắn với sản xuất, chiến đấu, cuộc sống. Chúng tôi học dược liệu trong thời kỳ kháng chiến, vừa học lại vừa phải quản lý. Những năm 47-48, học ở Thái Nguyên, sách rất thiếu. Thời gian đó có thầy Nguyễn Trọng Bính mang theo được sách. Để có tài liệu cho học sinh học, thầy Bính phân công một số người viết chữ đẹp chép sách ra giấy tàu bạch. Yêu cầu đặt ra là phải dùng mực tím thật đặc để viết thành chữ. Sau đó in trên đất sét. Đất sét được sàng lọc, sấy khô rồi đổ vào khay. Mặt đất sét phải thật mịn và hơi ẩm. Viết ở giấy xong, ấp lên đất sét, xong lại ấp 1 tờ giấy tàu bạch lên. 1 bản đất sét như vậy, chúng tôi có thể in thành 7-8 bản giấy tàu bạch. Cứ làm thế, chúng tôi mới có tài liệu để học. Vất vả nhưng vui và hạnh phúc lắm vì chúng tôi giúp các em có tài liệu học mà không mất quá nhiều thời gian, sức lực”.

"Vậy có khi nào vừa giảng bài vừa chạy bom không ạ?". "Có chứ!". Câu chuyện về điều kiện giảng dạy trong thời kỳ chiến tranh lại nóng lên. Đó là thời kỳ từ 15/10/1972 đến 21/1/1973, ông phụ trách một đoàn thầy cô và sinh viên lớp Dược 4, lớp chuyên tu 8, đa phần là nữ (trong đó có một chị là cán bộ giảng dạy có con nhỏ) đi Hà Tây để vừa phục vụ địa phương, phục vụ chiến đấu nhưng vẫn đảm bảo kế hoạch học tập cho sinh viên. Sự kiện 12 ngày đêm máy bay Mỹ bắn phá xảy ra cũng trong dịp đó. Hoàn cảnh thật khó khăn, ngủ trong tăng-sê (hầm trú ẩn), tự lo lấy việc ăn uống nhưng khi đó tình thầy trò thật đậm đà. "Tôi nhớ, ngày 20/12/1972, máy bay ném dữ dội huyện Ứng Hòa (Hà Tây), thầy và trò làm việc như những cán bộ địa phương, cùng khiêng cáng bệnh nhân đi trạm xá, nấu cơm, nấu cháo dìu dắt bệnh nhân vào giường bệnh, rửa chân tay, vết thương cho bệnh nhân. Ở huyện Thanh Oai, thầy và trò cùng vận chuyển, phân tán hàng hoá đi sơ tán về Cao Dương và cấp cứu bệnh nhân. Huyện Hoài Đức, máy bay Mỹ ném bom vào khu vực bệnh viện. Tiếng bom vừa dứt, thày trò, tốp thì bới đất moi bệnh nhân, tốp tham gia cấp cứu phòng không, tốp bắt tay ngay vào pha chế huyết thanh".

Làm sao để sinh viên không bị thiệt thòi trong học tập? Chương trình giảng phải nghiên cứu sao cho tuy số giờ rút từ 40 giờ xuống còn 20 giờ, không có thực tập mà phải kiến tập nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dạy và học? Đặc biệt, bên cạnh việc dạy và học Dược liệu, sinh viên trong nhóm còn trưởng thành nhiều từ thực tế pha chế huyết thanh, nhận thức cây thuốc, bào chế tại chỗ các dạng thuốc và biết gắn mình với thực tế vườn thuốc nam ở mỗi trạm xá xã... Và ông giáo gày gò trên chiếc xe đạp cà tàng cứ ngày ngày đi lại giảng dạy, kiểm tra các nhóm (chừng 10 người một nhóm) rải rác trên 6 huyện. "Khó khăn, vất vả thì nhiều đấy nhưng tình thầy trò lúc đó đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi" - vị giáo sư già tâm sự.

Thế hệ chúng tôi ra đời khi chiến tranh đã chấm dứt nhưng qua lời kể của Giáo sư Lộ, chúng tôi như thấy mình được cùng ông tham gia trong thời kỳ đó! Vừa dạy, vừa học, vừa chạy bom, vừa giúp bệnh nhân và dân sơ tán. Vất vả, hiểm nguy càng làm hình ảnh người thầy trở nên sáng ngời!

Tôi vẫn đang viết sách

Năm 1995, ông về hưu và tiếp tục viết sách. Ngạc nhiên là ở cái tuổi thất thập cổ lai hi, người đàn ông nhỏ bé ấy lại có thể cho ra đời nhiều tập sách đến vậy. Ngay trong năm 1999, 2 cuốn Từ điển về thuốc được ông hoàn thành. Năm 2004, sau 5 năm làm việc cật lực cùng với nhóm 11 người, ông đã cho ra đời 2 tập của bộ sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, gồm 1.000 loài. Thông tin về mỗi loài khá phong phú và cập nhật. Mỗi cuốn dày 1.300 trang. Để xuất bản được bộ sách này, nhóm làm sách gặp không ít những khó khăn. Ở thời buổi này, xuất bản sách khoa học đâu có dễ. Vị giáo sư già lại tự "đóng, gánh và gọi đò". Rồi bộ sách cũng ra đời và đã đoạt giải Vàng trong cuộc thi sách năm 2006. Hiện ông cùng các đồng nghiệp đang viết tiếp cuốn thứ 3, dự kiến sẽ nộp bản thảo và in vào cuối năm nay.

Ông nói: "Với tôi, sách là một sự kế tục. Tôi không dám chê sách cũ nhưng rõ ràng nó không cập nhật. Sách thuốc thì ai cũng cần vì ở Việt Nam, ít nhiều ai cũng biết một vài cây thuốc nam, những người thuộc chuyên ngành thì biết nhiều hơn. Về hưu mới có thời gian viết sách, mới có dịp ngồi suy nghĩ, tập hợp lại công trình đã được công bố. Phải có kinh nghiệm thực tế mới viết được sách".

Không chỉ viết sách, ông thường xuyên tham gia các công tác khoa học, cộng tác với Viện dược liệu: tham gia giảng dạy, chấm thi, hướng dẫn nghiên cứu sinh, tham gia các công tác khoa học..., làm Ủy viên Ban biên tập của tạp chí Dược liệu, ủy viên Ban biên tập của Bản tin dược liệu của Viện dược liệu.

Đúng là một sức làm việc phi thường!

Tất cả là nhờ bà ấy!

Ai cũng bảo tôi lấy vợ sớm, 22 tuổi. Thời xưa, thanh niên ai cũng có quan niệm: "tậu trâu, lấy vợ, làm nhà" nhưng tôi lại lấy vợ trước mới "tậu trâu". Tưởng rằng tôi sẽ vất vả, vướng bận không làm được việc gì. Nhưng cái sự sớm sủa ấy lại là một trong những điều may mắn của cuộc đời tôi. Vợ tôi cho tôi rất nhiều, tôi được nhờ rất nhiều từ nhà tôi. Việc nhà cửa, trông nom con cái, học hành một tay vợ tôi lo cả. Bà ấy cũng công tác trong ngành giáo dục nên có điều kiện chăm sóc, dạy dỗ con cái. Hiện nay, cả 2 con trai và gái của tôi đều đã trưởng thành và có địa vị trong xã hội. Công này đều là nhờ vợ tôi. Không có bà ấy, tôi không thể tập trung vào công việc.

Ông kể về người phụ nữ của đời mình với niềm tự hào và cả lòng biết ơn. Hình như ông đang muốn minh chứng thêm cho chân lý "Đằng sau sự thành công của một người đàn ông là một người phụ nữ".

Ngọc Châu

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Vũ Ngọc Lộ:

- Sinh ngày 16/6/1922.

- Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Dược liệu - Trường đại học Dược Hà Nội.

- 47 năm công tác, 37 năm giảng dạy.

- Nghỉ hưu năm 1995.

- Huân chương kháng chiến Hạng Nhất (1985).

Một số tác phẩm:

1- Kỹ thuật bảo quản dược phẩm (nhiều tác giả), 1962, NXB Y học.

2- Những tinh dầu lấy từ cây thuốc Việt Nam (chủ trì), 1971, Trường đại học Dược.

3- Thực hành dược khoa (nhiều tác giả), 1971, NXB Y học.

4- Bài giảng dược liệu (nhiều tác giả), 1980, 1981, NXB Y học.

5- Giáo trình dược liệu cho sinh viên dược Phnompenh (nhiều tác giả), 1981, Trường đại học Y dược Phnompenh.

6- Những cây tinh dầu quý (nhiều tác giả), 1977, NXB Khoa học và Kỹ thuật.

7- Tài nguyên cây thuốc (nhiều tác giả), 1993, NXB Khoa học và Kỹ thuật.

8- Plant resources of South-East Asia (nhiều tác giả), 1999, Backhuys Publishers Leiden.

9- Từ điển Bách khoa dược học (nhiều tác giả), 1999, NXB Từ điển Bách khoa.

10- Selected medicinal plants in Vietnam (nhiều tác giả), 1999, NXB Khoa học và Kỹ thuật.

11- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (nhiều tác giả), 2004, NXB Khoa học và Kỹ thuật.

 

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Vũ Ngọc Lộ:

- Sinh ngày 16/6/1922.

- Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Dược liệu - Trường đại học Dược Hà Nội.

- 47 năm công tác, 37 năm giảng dạy.

- Nghỉ hưu năm 1995.

- Huân chương kháng chiến Hạng Nhất (1985).

Một số tác phẩm:

1- Kỹ thuật bảo quản dược phẩm (nhiều tác giả), 1962, NXB Y học.

2- Những tinh dầu lấy từ cây thuốc Việt Nam (chủ trì), 1971, Trường đại học Dược.

3- Thực hành dược khoa (nhiều tác giả), 1971, NXB Y học.

4- Bài giảng dược liệu (nhiều tác giả), 1980, 1981, NXB Y học.

5- Giáo trình dược liệu cho sinh viên dược Phnompenh (nhiều tác giả), 1981, Trường đại học Y dược Phnompenh.

6- Những cây tinh dầu quý (nhiều tác giả), 1977, NXB Khoa học và Kỹ thuật.

7- Tài nguyên cây thuốc (nhiều tác giả), 1993, NXB Khoa học và Kỹ thuật.

8- Plant resources of South-East Asia (nhiều tác giả), 1999, Backhuys Publishers Leiden.

9- Từ điển Bách khoa dược học (nhiều tác giả), 1999, NXB Từ điển Bách khoa.

10- Selected medicinal plants in Vietnam (nhiều tác giả), 1999, NXB Khoa học và Kỹ thuật.

11- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (nhiều tác giả), 2004, NXB Khoa học và Kỹ thuật.

 


Ý kiến của bạn