Không nên tự ý sử dụng thuốc giãn cơ

04-11-2008 10:33 | Dược
google news

Một số người bị đau nhức mình mẩy thường cho là bị co cơ và thường dùng thuốc có tên là decontractyl. Vậy dùng thường xuyên thuốc này có hại không?

Một số người bị đau nhức mình mẩy thường cho là bị co cơ và thường dùng thuốc có tên là decontractyl. Vậy dùng thường xuyên thuốc này có hại không?

 

Decontractyl là tên biệt dược của mephenesin có tác dụng làm giãn cơ do tác động trung ương gây giãn cơ, được dùng hỗ trợ điều trị đau do co thắt cơ như đau lưng, đau đốt sống cổ, đau khớp vai... Gọi là thuốc có tác động trung ương bởi vì thuốc có tác động lên thần kinh trung ương trong khi có loại thuốc khác không có tác động đến thần kinh trung ương mà tác động trực tiếp đến các cơ vân (tức các cơ ở bắp tay, bắp chân, cơ lưng) làm cho các cơ này giãn ra giúp giảm đau. Decontractyl được xem có tác dụng hỗ trợ điều trị đau do co thắt. Còn đau được mô tả là “đau nhức mình nhức mẩy” là đau cơ - xương- khớp liên quan đến nhiều chất sinh học gây đau sinh ra trong cơ thể. Loại đau này phải dùng nhiều thuốc kết hợp để trị chứ không phải dùng đơn độc một mình decontractyl mà trị hết đau. Thường bác sĩ chỉ định nhiều thuốc kết hợp với thuốc giãn cơ để trị đau nhức khi bị bệnh lý cơ-xương-khớp.

Giống như bất cứ loại thuốc nào, nếu tự ý dùng thường xuyên thuốc decontractyl cũng có thể đưa đến nguy cơ bị tác dụng phụ của thuốc, như buồn nôn, nôn, buồn ngủ. Thuốc cũng có thể gây dị ứng da và một vài trường hợp đã được ghi nhận là gây sốc phản vệ. Trên thị trường dược phẩm có nhiều thuốc giãn cơ, bác sĩ có thể chỉ định thay thế decontractyl như myonal, dantrium, mydocal... Điều cần được đặc biệt nhấn mạnh là theo quy chế mới (Quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú - Theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BYT ban hành ngày 1/2/2008 của Bộ Y tế), thì thuốc giãn cơ thuộc nhóm thuốc kê đơn và bán thuốc theo đơn. Tức là các thuốc giãn cơ trong đó có decontractyl chỉ được dùng khi bác sĩ chỉ định, kê đơn thuốc.

Khi mới bị đau gọi là “đau nhức mình nhức mẩy” trước tiên người bệnh nên áp dụng phương pháp xoa bóp (có thể dùng dầu nóng, dầu xoa, kem bôi ngoài trị đau nhức). Bên cạnh việc xoa bóp có thể dùng thuốc giảm đau thuộc nhóm mua không cần đơn như paracetamol, indomethacin để trị đau. Khi dùng hai cách này một thời gian không cải thiện thì nên đi khám bệnh. Bác sĩ khám trực tiếp, xác định nguyên nhân gây đau sẽ cho hướng xử trí thích hợp. Không nên tự ý dùng loại thuốc kê đơn như thuốc giãn cơ được đề cập ở trên vì thuốc này đòi hỏi phải có bác sĩ chỉ định, theo dõi sử dụng để ngăn ngừa các tai biến có thể xảy ra.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức


Ý kiến của bạn