Hà Nội

Không nên tự ý lấy ráy tai

07-04-2016 09:42 | Đời sống
google news

SKĐS - Con gái tôi được 14 tháng tuổi. Mỗi lần tắm xong, tôi thường lấy tăm bông ngoáy tai cho bé. Tuy nhiên, một số người lại khuyên tôi không nên làm thế vì càng khiến cho ráy tai đẩy sâu vào trong hơn. Xin bác sĩ tư vấn giúp.

Đặng Thị Hòe (Nghệ An)

Ráy tai giúp điều hòa độ pH, diệt khuẩn, diệt nấm và bảo vệ lớp lót nhạy cảm của ống tai khỏi tác động của nước. Đây là một phần cơ chế tự bảo vệ của tai, giúp làm sạch, ngăn không cho bụi và vi khuẩn từ môi trường đi sâu vào bên trong tai, gây tổn thương hoặc nhiễm trùng màng nhĩ. Sự tích tụ của ráy tai không hề gây nhiễm trùng tai như nhiều người thường nghĩ. Trái lại, thiếu các thành phần bôi trơn và diệt khuẩn của ráy tai, tai có thể bị khô và ngứa.

Khi lấy ráy tai cần đưa trẻ tới cơ sở y tế.

Trong đa số trường hợp, ống tai ngoài sẽ tự làm sạch. Nhờ động tác nhai và chuyển động của hàm, ráy tai cũ và các tế bào da chết liên tục di chuyển từ phía màng nhĩ tới lỗ tai ngoài, chúng khô dần và rơi ra ngoài. Ống tai ngoài quá nhỏ hoặc hình dáng khác thường có thể khiến ráy tai khó thoát ra ngoài, dẫn tới hình thành nút ráy tai. Nút ráy tai cũng xuất hiện khi chất này bị đẩy sâu vào trong ống tai. Nguyên nhân hay gặp nhất là do sử dụng tăm bông hoặc những vật dụng khác để lấy ráy tai. Hành động này chỉ giúp loại bỏ phần ráy tai nông ở bên ngoài, trong khi lại đẩy phần còn lại sâu vào bên trong, tạo điều kiện hình thành nút ráy tai. Vì vậy, hàng ngày sau khi tắm cho bé, chỉ cần dùng khăn ướt lau nhẹ vùng tai ngoài là đủ.


BS. Trần Thu Thủy
Ý kiến của bạn