Nhiều cha mẹ muốn dùng thuốc trị ho và cảm lạnh cho trẻ, với mục đích nhanh khỏi. Tuy nhiên, thực tế hầu hết trẻ em sẽ tự khỏi và thuốc trị ho hoặc cảm lạnh sẽ không thay đổi quá trình tự nhiên của cảm lạnh hoặc làm cho bệnh khỏi nhanh hơn.
Ngoài ra, một số loại thuốc ho và cảm lạnh có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng, như làm chậm nhịp thở, có thể đe dọa đến tính mạng, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do đó, điều quan trọng là phải biết khi nào mới cần dùng thuốc, phương pháp điều trị nào được khuyến nghị và khi nào không cần dùng thuốc.
Ngày nay, các triệu chứng cảm lạnh và ho có thể đặc biệt đáng lo ngại vì chúng có thể là triệu chứng của COVID-19, cúm hoặc bệnh nghiêm trọng tiềm ẩn khác. Nếu bạn lo lắng về COVID-19 hay các bệnh khác ngoài cảm lạnh, có thể trao đổi với bác sĩ hoặc đưa trẻ đi khám.
1. Cách điều trị cảm lạnh ở trẻ sơ sinh và trẻ em
Ho là một triệu chứng bình thường của cảm lạnh giúp cơ thể loại bỏ chất nhầy ra khỏi đường thở và bảo vệ phổi. Các phương pháp điều trị ho không dùng thuốc bao gồm uống nhiều nước, đặc biệt là đồ uống ấm để làm dịu cổ họng...
Theo FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ), để giảm các triệu chứng ho và cảm lạnh ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên dùng:
- Máy tạo độ ẩm phun sương mát giúp làm ẩm không khí và giảm khô mũi và họng. Không sử dụng máy tạo độ ẩm phun sương ấm, vì có thể làm trầm trọng phù nề mũi, khiến việc thở trở nên khó khăn hơn.
- Nước muối dạng nhỏ mũi hoặc xịt giúp giữ ẩm mũi, làm lỏng chất nhầy, tránh nghẹt mũi. Sau đó, hút mũi bằng bình hút cao su hoặc dụng cụ hút khác được thiết kế cho trẻ sơ sinh, giúp làm sạch mũi.
- Dùng thuốc: Các thuốc như acetaminophen hoặc ibuprofen có thể được sử dụng để hạ sốt, giảm đau nhức. Cha mẹ cần đọc kỹ và làm theo hướng dẫn ghi trên nhãn hoặc tờ hướng dẫn đi kèm sản phẩm để dùng cho đúng.
- Cung cấp đủ nước: Khuyến khích trẻ uống nhiều nước để giữ đủ nước cho cơ thể.
2. Một số lưu ý khi cho trẻ uống thuốc trị ho và cảm lạnh
- Các thuốc OTC (không cần kê đơn) có rất sẵn trong các nhà thuốc để điều trị các triệu chứng ho và cảm lạnh. Tuy nhiên, FDA không khuyến nghị dùng thuốc OTC cho các triệu chứng ho và cảm lạnh ở trẻ em dưới 2 tuổi, vì chúng có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng và có khả năng đe dọa tính mạng.
- Nhiều sản phẩm trị ho và cảm lạnh OTC có chứa nhiều thành phần có thể dẫn đến tình trạng quá liều. Cha mẹ cần đọc kỹ thông tin về thuốc, tìm hiểu về những loại thuốc (hoạt chất) có trong một sản phẩm, để tránh dùng nhiều thuốc có cùng hoạt chất, gây quá liều.
Các sản phẩm trị ho và cảm lạnh không kê đơn có thể gây hại cho trẻ em nếu:
- Dùng nhiều hơn liều khuyến cáo hoặc dùng thuốc quá thường xuyên.
- Dùng nhiều hơn một sản phẩm có chứa cùng một loại thuốc. Ví dụ, dùng cả thuốc giảm đau có chứa acetaminophen và thuốc ho và cảm lạnh có chứa acetaminophen.
- Cần đảm bảo dùng đúng liều lượng. Đối với các sản phẩm trị ho và cảm lạnh cho trẻ nhỏ thường được sử dụng dưới dạng thuốc lỏng (dung dịch, hỗn dịch…). Để cung cấp đúng liều lượng thuốc, mỗi sản phẩm thường có dụng cụ định lượng (đong thuốc) đi kèm như cốc đong, ống… chia vạch. Cha mẹ cần sử dụng các dụng cụ đi kèm sản phẩm này. Tuyệt đối không dùng thìa ăn hoặc các dụng cụ khác trong nhà bếp để đong thuốc (tránh quá liều), nguy hiểm cho trẻ.
Mời độc giả xem thêm video:
6 cách dùng gừng để ngăn ngừa ho và cảm lạnh