Không nên thương mại hóa thông tin dữ liệu cá nhân

20-07-2018 08:48 | Thời sự
google news

SKĐS - Vừa qua, phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - ông Nguyễn Ðức Chung đề xuất Chính phủ cho TP. Hà Nội được thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp, chia sẻ các dữ liệu dân cư đối với các ngành ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác. Tuy nhiên, đề xuất này đã gây ra những phản ứng trái chiều.

Theo Luật Căn cước công dân có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Đối với việc quản lý, khai thác và sử dụng CSDL quốc gia về dân cư, Luật Căn cước công dân quy định rõ, CSDL về dân cư là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. CSDL quốc gia về dân cư là CSDL dùng chung, do Bộ Công an quản lý.

Cơ quan quản lý CSDL chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; Công dân được khai thác thông tin của mình trong CSDL quốc gia về dân cư; tổ chức và cá nhân không thuộc quy định tại các điểm trên có nhu cầu khai thác thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý CSDL về dân cư theo quy định của pháp luật.

Do có những quy định bảo mật về cơ sở dữ liệu cư dân, nên đề nghị của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã gặp phải nhiều ý kiến không đồng tình. Theo các chuyên gia kinh tế, không nên mua bán, thương mại hóa thông tin cá nhân. Bởi lẽ, trên thực tế, quyền tự do, riêng tư của công dân cần được tôn trọng, bảo mật tối đa. Những thông tin cá nhân cơ bản, có thể chia sẻ được nếu tạo ra những giá trị chung cho xã hội và nên được sử dụng miễn phí. Còn việc mua bán thông tin cá nhân cho các tổ chức để phục vụ lợi ích riêng của họ, thì cần phải thu phí theo quy định của pháp luật và thực hiện theo quy định riêng. Còn những thông tin riêng tư, ảnh hưởng đến quyền tự do cá nhân thì pháp luật đã quy định rõ không được mua bán, chia sẻ.

Nhiều ý kiến khác cũng đồng tình với quan điểm trên và cho rằng cần thận trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân với mục đích thương mại hóa. Bởi lẽ, những thông tin cá nhân đó công dân buộc phải khai báo với chính quyền để quản lý, nhất là khi thay đổi thẻ căn cước công dân để tạo thành bộ hồ sơ dữ liệu quốc gia về cư dân. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa ai cũng mua được, tiếp cận được, ngay cả các tổ chức tài chính, tín dụng, ngân hàng cũng không có quyền.

Các chuyên gia phân tích, hiến pháp và các luật liên quan như Luật Căn cước công dân đều bảo vệ quyền riêng tư của công dân. Giữa các cơ quan pháp luật với nhau khi cần có thể trao đổi thông tin dữ liệu cư dân. Ví dụ khi có một vụ việc gì đó liên quan đến công dân, cơ quan pháp luật cần trao đổi để xác minh, nhất là không để cho người dân bị oan sai. Song, việc này chỉ dừng ở mức độ các cơ quan nhà nước với nhau.

Nhìn rộng ra thế giới, ở các nước tiên tiến, quyền tự do, riêng tư của công dân được tôn trọng, bảo mật tối đa. Hệ thống quản trị dữ liệu của công dân do Nhà nước nắm giữ. Hồ sơ tư pháp của công dân chỉ cung cấp cho công dân khi họ yêu cầu hoặc cơ quan pháp luật cần xác minh vấn đề gì đó, theo đúng luật pháp quy định, hoàn toàn tách bạch với hệ thống kinh doanh. Vì vậy, không nên thương mại hóa thông tin dữ liệu cá nhân, phải bảo vệ quyền riêng tư của công dân.


TRUNG ĐỨC
Ý kiến của bạn