Không nên tắm lá, chanh cho trẻ nhỏ

25-12-2008 06:10 | Đời sống
google news

Cháu Huy, 1 tháng tuổi (Hà Nội) nhập viện vì sốt cao, da nổi nhiều mụn kê. Bác sĩ chẩn đoán bé bị nhiễm khuẩn ngoài da nặng, có nguy cơ nhiễm khuẩn máu.

Cháu Huy, 1 tháng tuổi (Hà Nội) nhập viện vì sốt cao, da nổi nhiều mụn kê. Bác sĩ chẩn đoán bé bị nhiễm khuẩn ngoài da nặng, có nguy cơ nhiễm khuẩn máu. Nguyên do bố mẹ dùng lá sài đất, hạt kê và chân vịt tắm cho cháu.

Bé Nguyễn Thanh Thảo, 2 tuổi ở quận Hoàng Mai, Hà Nội nhập viện trong tình trạng sốt cao, bỏ bú, một số vùng da bị lở loét. Kết quả khám cho thấy, bé bị nhiễm khuẩn da và đang có dấu hiệu nhiễm trùng. Nguyên nhân là vì gia đình muốn cô con gái cưng sau này có làn da trắng trẻo, mịn màng nên mua nước dừa nguyên chất về tắm cho bé. Được vài ngày, da bé nổi vài nốt li ti, mọi người cho là do kê nóng và tiếp tục tắm. Đến khi bé bỏ bú, sốt cao, cả nhà mới vội đưa bé đi cấp cứu.
 
Theo, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, phó trưởng khoa nhi, bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, tắm nước dừa chỉ làm da thêm bẩn vì lượng đường nhiều là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Trong khi đó, da của trẻ nhỏ rất mỏng nên rất dễ bị tổn thương, gây nhiễm trùng.

 Với da trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, chanh và lá lại không có lợi. Ảnh minh họa.
Có không ít trẻ nhỏ bị chàm sữa (bệnh xảy ra nhiều ở trẻ 3-6 tháng), ngoài việc tắm lá, có gia đình còn lấy tôm hoặc nhai bã trầu xát vào, khiến bé bị tổn thương nặng nề.

Không chỉ tại Bạch Mai, tại Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng thường xuyên tiếp nhận trẻ bị viêm da do tắm lá. Tiến sĩ Khu Thị Khánh Dung, phó giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nơi đây cũng tiếp nhận không ít trường hợp bị dị ứng dẫn tới tróc và bỏng da toàn thân do trẻ được tắm một số loại lá cây như rẻ quạt, nước gừng hay dùng lá khế chữa dị ứng.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Lượng, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Viện Bỏng quốc gia cũng cho biết, rất nhiều người có thói quen dùng chanh tắm cho trẻ. Thực tế, axit chanh có tác dụng sát trùng tốt, có thể dùng để gội đầu, tắm ở người lớn. Nhưng với da trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, chanh lại không có lợi.  Khi kỳ cọ, chất axit trong chanh có thể làm bong tróc các mảnh da non, gây xót và tẩy mạnh làm ảnh hưởng đến quá trình lên da non, nhất là nếu pha quá nhiều chanh và chậu nước tắm.

Hơn nữa, trẻ nhỏ hay dụi mắt, mặt, đầu nên nếu móng tay trẻ sắc, gây xước da, tắm chanh quá đặc sẽ làm bé đau. Việc tắm chanh quá đặc, tắm xong mà không tráng lại nước sạch, chà sát trực tiếp cả miếng chanh lên da khi tắm, gội đầu... là những quan niệm sai lầm. Làn da mỏng manh, non nớt của bé sẽ bị ảnh hưởng, tổn thương dù chất axit trong chanh chỉ tẩy rất nhẹ.

Mắc bệnh ngoài da, tắm lá sẽ nguy hiểm
 
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thảo, phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội khẳng định, quan niệm "khi trẻ bị rôm sảy hay kê phải tắm các loại lá mới hết" là rất nguy hiểm. Vì đây chỉ là những biểu hiện của viêm da  nhẹ, có thể tự khỏi, nếu dùng những loại lá như sài đất, chân vịt, rẻ quạt... có khi làm bệnh nặng hơn. Bởi các loại lá, quả có khi mọc ở những bờ bụi, bị nhiễm khuẩn, côn trùng hay cả thuốc bảo vệ thực vật... rửa rất khó sạch nên nguy cơ trẻ bị nhiễm khuẩn da rất cao. Thậm chí ngay cả việc đun sôi cũng không có tác dụng diệt khuẩn trong lá.

Hiện tượng viêm da do tắm lá mùa nào cũng gặp nhưng vào mùa hè, thời tiết nắng nóng, trẻ bị rôm sảy, trốc lở, mụn nhọt, côn trùng đốt tăng cao nên biến chứng do tắm lá cũng nhiều hơn: có trẻ bị bội nhiễm, nhất là nhiễm trùng máu rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, phó trưởng khoa nhi, bệnh viện Bạch Mai Hà Nội: Cách phòng chống viêm da cho trẻ

     Thay tã lót thường xuyên, lau khô vùng bẹn và mông bằng nước ấm sau khi trẻ đại, tiểu tiện. Hằng ngày, vệ sinh sạch sẽ cơ thể bé bằng nước sạch hoặc xà phòng diệt khuẩn. Tuyệt đối không nên tự ý dùng nước lá tắm để chữa các bệnh ngoài da cho trẻ. Mùa hè, nên hạn chế dùng tã và phải thay thường xuyên.

      Mặt khác, cần cho trẻ uống đủ nước, tập cho trẻ ăn nhiều rau xanh, trái cây khi trẻ biết ăn. Các bà mẹ đang cho con bú cũng cần bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất. Mặc khác, những người gần gũi chăm sóc trẻ hằng ngày cũng phải chú ý giữ gìn vệ sinh thân thể vì dễ lây bệnh cho trẻ. Đặc biệt, môi trường sống của trẻ cần sạch sẽ, thoáng mát.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, chủ tịch hội Đông y Việt Nam: Tắm lá không có khả năng làm mát

      Việc tắm lá (tắm thuốc) trong đông y cũng phải có chỉ định rõ ràng đối với từng bệnh hoặc đối tượng nào không được tắm. Chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh tắm lá có khả năng làm mát da hay toàn bộ cơ thể mà đó chỉ là những kinh nghiệm dân gian lưu truyền. Việc tắm lá phải rất cẩn trọng, tuyệt đối không nên tắm lá tươi vì rất dễ gây kích ứng cho da.

     Đối với da bình thường, không nên tắm lá, còn nếu do rôm sảy thì lấy quả mướp đắng, rửa sạch, đun sôi để nguội lấy nước tắm, do chốc lở, mụn nhọt thì lấy 20 gam lá đào tươi, rửa sạch đun nước tắm. Tuyệt đối không lấy nước dừa tắm cho trẻ vì không có tài liệu nào hướng dẫn như vậy.

l
Theo VnExpress

Ý kiến của bạn