Không nên sử dụng đèn diệt khuẩn cực tím (UV) để khử trùng tay hoặc các vùng da khác

26-07-2021 09:26 | Thông tin dược học

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, không nên sử dụng đèn diệt khuẩn cực tím (UV) để khử trùng tay hoặc các vùng da khác trên cơ thể vì có thể gây tổn thương da và mắt.

Các chất khử trùng hóa học đã được Tổ chức Y tế Thế giới khuyên dùng để khử trùng các bề mặt trong đại dịch. Tuy nhiên, những hóa chất này có tồn lưu và không thể sử dụng để khử trùng nhiều vật dụng như đồ ăn, đồ dùng cá nhân như máy tính xách tay, điện thoại di động, đồng hồ... Đèn diệt khuẩn cực tím UVC cung cấp khả năng khử trùng vật lý và có hiệu quả diệt khuẩn, nhưng phải cẩn thận với UVC vì có thể gây bỏng da và tổn thương mắt.

Không nên sử dụng đèn diệt khuẩn cực tím (UV) để khử trùng tay hoặc các vùng da khác - Ảnh 1.

Sử dụng đèn UV để khử trùng điện thoại.

Hiệu quả diệt virus của đèn diệt khuẩn cực tím (UV)

Tia UV là nguyên nhân gây ra cháy nắng và được biết đến là chất gây ung thư. Chính vì vậy, chúng ta thường sử dụng kem chống nắng để bảo vệ làn da của mình. Nhưng chính sức mạnh gây hại này lại khiến tia UV trở nên hiệu quả trong việc khử trùng.

Giống như ánh sáng mà chúng ta có thể nhìn thấy, tia UV được chia thành nhiều loại khác nhau tùy thuộc vào bước sóng của ánh sáng; UVA, UVB và UVC.

UVA, có năng lượng thấp nhất và bước sóng dài nhất, là nguyên nhân gây ra lão hóa da. UVB nằm ở giữa, gây cháy nắng và ung thư da. Trong khi UVC, tia cực tím năng lượng cao nhất, là những gì các nhà sản xuất đang hướng đến trong các sản phẩm có khả năng khử trùng, diệt virus.

Ánh sáng mặt trời có chứa tia UV nhưng UVC bị tầng ôzôn của trái đất lọc bỏ chỉ còn lại tia UVA và UVB có năng lượng thấp hơn. Trong khi ánh sáng mặt trời đã được chứng minh là có thể tiêu diệt virus, tác dụng của nó rất khác nhau giữa các mùa. Để tạo ra ánh sáng UVC trên trái đất, đèn thủy ngân và gần đây là đèn LED được sử dụng. Ánh sáng UVC từ những thứ này phá vỡ vật chất di truyền trong virus. Tổn thương di truyền này xáo trộn mã di truyền ngăn virus nhân lên.

Không nên sử dụng đèn diệt khuẩn cực tím (UV) để khử trùng tay hoặc các vùng da khác - Ảnh 2.

Đèn UV khử trùng trong bệnh viện.

Khả năng tiêu diệt virus của các loại đèn này phụ thuộc vào bước sóng mà chúng tạo ra. Đèn thủy ngân tạo ra ánh sáng 254nm, gần với bước sóng diệt virus đỉnh điểm là 260nm.

Ý tưởng sử dụng đèn UVC để khử trùng đã có từ những năm 1930, để chiến đấu với việc lây truyền bệnh sởi, bằng cách lắp đặt đèn chiếu sáng trong phòng của trường học. Vào những năm 1970, nó cũng được sử dụng để ngăn chặn sự lây truyền của bệnh lao. Phương pháp này sử dụng đèn UVC cao hơn đầu người, ngăn mọi người tiếp xúc với ánh sáng có hại. Đèn UVC cũng được sử dụng như một phương pháp khử trùng trong bệnh viện và trong hệ thống nước.

Không nên sử dụng đèn diệt khuẩn cực tím để khử trùng tay 

Tia UVC có thể gây bỏng da và tổn thương mắt, thậm chí gây ung thư.

Không nên sử dụng đèn diệt khuẩn cực tím (UV) để khử trùng tay hoặc các vùng da khác - Ảnh 3.

Không sử dụng tia UV đề khử trùng tay và các vùng da khác.

Theo khuyến cáo về khử trùng bằng tia UV của Hiệp hội Tia cực tím Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, tia UVC “mạnh” hơn nhiều so với ánh sáng mặt trời bình thường và có thể gây ra phản ứng giống như cháy nắng nghiêm trọng.

Một số đèn UVC cũng sẽ tạo ra ozone. Khi hít phải, ozone có thể gây hại cho phổi và làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính về đường hô hấp.

Trong thời kỳ dịch bệnh này, làm sạch tay bằng nước rửa tay có cồn hoặc rửa tay bằng xà phòng và nước là những cách hiệu quả nhất để loại bỏ virus.

Ds. Nguyễn Thanh Tuyền
Ý kiến của bạn