Khó nhận biết thật giả ở thị trường kem chống nắng
Nhằm siết chặt quản lý mỹ phẩm, đặc biệt là các sản phẩm chống nắng, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm khẩn trương thực hiện rà soát toàn diện.
Công văn cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh và đơn vị chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường phải tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý mỹ phẩm. Trong đó, cần rà soát hồ sơ thông tin sản phẩm (Product Information File - PIF), phương pháp và kết quả xác định chỉ số SPF của sản phẩm, bảo đảm tính đầy đủ và chính xác, sẵn sàng cung cấp khi có yêu cầu kiểm tra từ cơ quan chức năng.
Thị trường mỹ phẩm trực tuyến hiện đang bùng nổ với hàng nghìn sản phẩm được rao bán mỗi ngày trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Điều đáng nói, giá các sản phẩm này chỉ bằng 1/3, thậm chí 1/10 so với hàng chính hãng và được quảng cáo là hàng xách tay từ nước ngoài.

Nên lựa chọn sản phẩm chống nắng an toàn cho sức khỏe.
Trên một tài khoản facebook có tên M.S.T rao bán đủ loại mỹ phẩm của các thương hiệu nổi tiếng, được quảng cáo là hàng xách tay từ các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Pháp, Australia… và chủ yếu bán sỉ cho dân buôn với giá rất rẻ.
Chẳng hạn như kem chống nắng CNP Laboratory có giá 70.000 đồng/tuýp, trong khi cũng sản phẩm này thị trường hiện bán với giá từ 260.000 đồng đến 270.000 đồng/tuýp; nước hoa hồng Lancôme 125ml có giá bán 120.000 đồng/tuýp (thị trường có giá là 270.000 đồng đến 300.000 đồng/tuýp); serum chống lão hoá Estée Lauder 100ml có giá 170.000 đồng/lọ (thị trường bán 900.000 đồng đến 1 triệu đồng/lọ)…
Tuy nhiên khi hỏi về giấy tờ nguồn gốc chính hãng thì chủ tài khoản này nói chỉ có hóa đơn mua hàng. Thời gian qua, lực lượng chức năng liên tục phát hiện nhiều kho mỹ phẩm "khủng" không rõ nguồn gốc, được làm giả.
Mới đây, Cục Quản lý Dược đã ra quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy lô kem chống nắng, do chỉ số chống nắng trên nhãn ghi SPF 50 nhưng kiểm nghiệm chỉ số SPF chỉ là 2,4. Theo chuyên gia, sử dụng phải mỹ phẩm, kem chống nắng "dỏm" gây hại rất lớn cho da, cho sức khỏe.
PGS.TS Phạm Văn Nho, nguyên giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, khi các sản phẩm kem chống nắng chưa được xiết chặt, sản phẩm kém chất lượng vẫn trà trộn thì người dùng phải tự bảo vệ sức khỏe.
Sản phẩm kem chống nắng đạt tiêu chuẩn chất lượng khi đáp ứng một trong các điều kiện sau đây: Là sản phẩm được sản xuất để bảo vệ da khỏi bức xạ của tia cực tím; Có chỉ số chống nắng SPF từ 4 trở lên; Theo định nghĩa của AS/NZS 2604:2021, sản phẩm đáp ứng việc chăm sóc da với chỉ số SPF được dán nhãn lớn hơn 15, không phải là sản phẩm dùng để thoa lên môi hoặc sản phẩm được thiết kế chủ yếu dưới dạng kem nền hoặc kem nền có màu.
Không nên ham kem chống nắng có chỉ số SPF quá cao
PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết, khi lựa chọn kem chống nắng, nên ưu tiên loại có chỉ số SPF vừa phải, khoảng từ 15 đến 30. Sau đó, có thể thoa lại khi cần thiết để tránh hấp thụ quá nhiều hóa chất vào cơ thể. Cần lưu ý rằng chỉ số SPF (Sun Protection Factor) chỉ đo khả năng chống tia UVB – nguyên nhân chính gây cháy nắng.
Tuy nhiên, bên cạnh UVB, tia UVA cũng rất nguy hiểm vì chúng gây lão hóa da, hình thành nếp nhăn và có thể dẫn đến ung thư da. Do đó, người dùng cần chú ý đến chỉ số PA (Protection Grade of UVA), thể hiện bằng các dấu cộng như PA+, PA++, PA+++, càng nhiều dấu cộng thì khả năng chống tia UVA càng cao.
Các loại kem chống nắng ghi rõ cả chỉ số SPF và PA được gọi là kem chống nắng phổ rộng (broad-spectrum), tức là có khả năng bảo vệ da khỏi cả tia UVA và UVB. Tuy nhiên, loại kem này thường đắt tiền hơn và có thể kém an toàn hơn do chứa nhiều thành phần hóa học hơn các loại thông thường.
Loại kem chống nắng được đánh giá an toàn nhất hiện nay là kem chống nắng vật lý. Loại kem này chứa các khoáng chất như titanium dioxide (TiO₂) và zinc oxide (ZnO), tạo một lớp màng bảo vệ vật lý trên bề mặt da, giúp phản xạ lại các tia UV mà không thẩm thấu vào da. Ngoài khả năng ngăn chặn cả tia UVA, UVB và UVC, kem chống nắng vật lý còn có tác dụng kháng khuẩn và không chứa các hóa chất độc hại.
Tuy nhiên, nhược điểm của kem chống nắng vật lý truyền thống là tạo ra một lớp bột trắng thô, dễ bong tróc, gây mất thẩm mỹ. Hiện nay, đã có loại kem chống nắng vật lý sử dụng công nghệ nano, giúp khắc phục nhược điểm này. Kem nano không chỉ có khả năng chống nắng hiệu quả mà còn tạo hiệu ứng trang điểm, làm da sáng mịn, đều màu hơn. Dù vậy, sản phẩm này vẫn chưa phổ biến rộng rãi trên thị trường.
PGS.TS Phạm Văn Nho đưa ra lưu ý đặc biệt, không nên dùng kem chống nắng thông thường cho trẻ em. Trẻ nhỏ chỉ nên sử dụng kem chống nắng vật lý vì độ an toàn cao và không gây kích ứng da.
Khi dùng kem chống nắng, vẫn có thể dành ít thời gian để da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Thường 10-15 phút mỗi ngày (hoặc tùy theo tình hình địa phương và loại da) là đủ để cơ thể tổng hợp vitamin D từ ánh nắng mặt trời. Khi đi du lịch, tránh tắm nắng khi ngoài trời đã nắng gắt. Không nên sử dụng đèn mặt trời, giường nằm tắm nắng hoặc các dịch vụ làm cho da rám nắng bằng cách sử dụng ánh sáng cường độ cao. Sử dụng kem chống nắng đều đặn mỗi khi ra ngoài, ngay cả khi trời nhiều mây.
